World Bank: Chênh lệch 1% nợ xấu cũng là quá lớn!

(Dân trí) - Mặc dù tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được vấn đề nợ xấu song trước tình trạng vênh số liệu công bố, chuyên gia WB lưu ý, sẽ không thể có giải pháp cụ thể nếu không nắm rõ con số này vì 1% cũng là quá lớn.

Vấn đề nợ xấu không phải là đề tài mới được đề cập đến, nhưng là vấn đề "nóng" mà bất cứ một cuộc họp bàn, trao đổi nào về kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay cũng được đưa ra mổ xẻ.

Chiều 5/12/2012, trước báo giới, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đầy lạc quan khi tuyên bố, trên cương vị là chủ nợ lớn nhất, tổ chức này tin tưởng Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề của mình.

Bà Kwakwa: Các nước khác xử lý được nợ xấu thì Việt Nam cũng làm được - (Ảnh: BD).
Bà Kwakwa: Các nước khác xử lý được nợ xấu thì Việt Nam cũng làm được - (Ảnh: BD).

Bà Kwakwa cho rằng, khó khăn tài chính không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đều gặp phải. Nhắc lại giai đoạn 1997 - năm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, bà cho biết, rất nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng phải đã trải qua những thách thức lớn với gán nặng nợ xấu đè xuống nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay, các nước nói trên đều đã thoát khỏi được khó khăn và lấy lại được đà tăng trưởng, phát triển trở lại.

"Do vậy, không có lý do gì để không lạc quan rằng Việt Nam không làm được điều đó. Đây không phải là điều Việt Nam chưa bao giờ làm. Việt Nam đã từng gặp phải những vấn đề này trong quá khứ.

Tôi biết rằng, Việt Nam cũng đã từng gặp khủng hoảng tương tự trong ngành tài chính ngân hàng, chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Tôi thấy không có lý gì để nói rằng Việt Nam không làm được" - Giám đốc quốc gia WB khẳng định.

Bà cũng đánh giá, khung thời gian 5 năm để Chính phủ xử lý nợ xấu như kế hoạch đặt ra là khả thi. Tuy nhiên, để làm được thì điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị và có cam kết hành động.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Deepak Mishra có đưa ra lưu ý: "Nợ xấu của Việt Nam hiện vẫn không rõ chính xác là bao nhiêu và chúng ta sẽ không thể có giải pháp cụ thể nếu không nắm rõ con số này".

Rõ ràng là đã có sự bất nhất về số liệu giữa các tổ chức công bố. Nếu con số do các ngân hàng thương mại cung cấp là 4,3% thì thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại cho biết, tỷ lệ này thậm chí gấp đôi và đang ở mức 8,8%.

Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình gần đây lại công bố trước diễn đàn Quốc hội, nợ xấu toàn ngành đang ở mức 10%. Một số nhà phân tích độc lập lại khẳng định, con số nợ xấu cao hơn hẳn.

Theo chuyên gia WB, sự khác nhau trong con số nợ xấu rất phải bàn đến vì 1% là rất lớn.

Cảnh giác nới lỏng chính sách quá sớm

Đánh giá về bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện tại, ông Mishra cho rằng, về cơ bản là đã ổn định. Điều này thể hiện qua những chỉ tiêu tích cực đã đạt được kiềm được lạm phát ở mức thấp, tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối được cải thiện, rủi ro tín dụng giảm thiểu nhờ thanh khoản hệ thống tài chính đã tăng lên.

Ngoài ra, Việt Nam đã lật ngược được tình hình khi chuyển đổi ngoạn mục từ tình trạng nhập siêu liên tục sang tạo được thặng dư trong cán cân thương mại.

Ông Mishra: Với biên độ hạ lãi suất nhỏ thì chưa gọi là nới lỏng chính sách quá sớm - (Ảnh: BD)..
Ông Mishra: Với biên độ hạ lãi suất nhỏ thì chưa gọi là nới lỏng chính sách quá sớm - (Ảnh: BD)..

Ông cũng đánh giá cao về hướng điều hành của Chính phủ thời gian gần đây khi đã bớt chú trọng đến tốc độ tăng trưởng, thay vào đó là tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng công cụ chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ thận trọng. "Đây là một hướng đi đúng đắn" - ông Mishra nhận xét.

Bởi trên thực tế, người dân không quan tâm đến con số tăng trưởng mà mối quan tâm này được dành cho chất lượng tăng trưởng nhiều hơn: họ muốn giá cả ổn định, chi phí sinh hoạt hợp lý. Khảo sát WB cũng cho thấy, 44% người dân bày tỏ sự lo ngại lớn nhất là lạm phát, thay vì việc làm và thu nhập.

Dù vậy, chuyên gia WB vẫn lưu ý, các nhà hoạch định chính sách không nên quá lạc quan với những thành tích đã đạt được, vì rủi ro còn tiềm ẩn. Theo đó, lạm phát cơ bản vẫn còn cao so bình quân chung, chất lượng tín dụng bị suy giảm.

Ông Mishra không quên nhắc lại cảnh báo rằng, nếu không thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa quá sớm thì nguy cơ lạm phát sẽ bùng trở lại.

Bằng chứng là giai đoạn 2008-2009, Việt Nam đã từng có bài học xương máu về nới lỏng chính sách quá sớm, từ đó để lại hệ lụy, lạm phát leo thang trở lại vào năm 2010-2011.

Tuy nhiên, khi được đặt vấn đề, liệu kế hoạch hạ lãi suất chính sách khoảng 1% trong thời gian sắp tới của Chính phủ liệu có phải là biểu hiện của nới lỏng chính sách sớm như vị chuyên gia này đề cập hay không, ông Mishra cho rằng, với một biên độ nhỏ thì cũng chưa phải là quá sớm.

 WB lần thứ ba đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống mức 5,5%. Trước đó, hồi tháng 6, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ tăng trưởng 6,3%; đến tháng 10, triển vọng được hạ xuống 5,7%.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ Việt Nam năm 2012, theo dự báo của WB sẽ đạt tương ứng  khoảng 2,3 tháng nhập khẩu. Cán cân thương mại dự kiến thặng dư 6,4 tỷ USD và sẽ tiếp tục giữ được mức thặng dư 5,8 tỷ USD vào năm sau.

Nợ nước ngoài dự báo sẽ tăng từ 54,7 tỷ USD năm 2012 lên 59,8 tỷ USD năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng đạt 7,2 tỷ USD trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng lên 7,3 tỷ USD vào năm tới.


Bích Diệp