Website của chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến" bán cả hàng giả, hàng nhái?
(Dân trí) - Website chính thức của chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến 2014" do Bộ Công thương phát động hiện xuất hiện một số đơn vị đăng ký bán la liệt cả các mặt hàng nhái thương hiệu cao cấp với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Sự kiện lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam
Ngày 1/12/2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức Lễ phát động Ngày mua sắm trực tuyến. Đây là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam - dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 năm 2014.
Ngày mua sắm trực tuyến 2014 được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020. Dự kiến chương trình này sẽ được tổ chức thường niên trong những năm tới.
Mục tiêu của Ngày mua sắm trực tuyến là thu hút được đông đảo cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan tới thương mại điện tử tham gia, từ đó đẩy mạnh trào lưu mua sắm trực tuyến trong xã hội, góp phần mở rộng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chương trình cũng tạo cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp liên quan tới thương mại điện tử.
Vắng bóng hàng Việt, lẫn cả hàng giả, hàng nhái?
Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết: dù Ngày mua sắm trực tuyến còn 4 ngày nữa mới diễn ra, song, hiện tại đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình. "Đây là con số ấn tượng, vượt xa dự đoán của Ban tổ chức, cho thấy Chương trình đã nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người dân", ông Linh nói.
Tuy nhiên, khi dạo qua website của chương trình là onlinefriday.vn có thể thấy các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng khá ít mà chủ yếu vẫn là các thương hiệu nước ngoài hoặc các mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore...
Website của một đơn vị tham gia với rất nhiều mặt hàng thời trang có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Điểm đáng lưu ý, mặc dù các doanh nghiệp tham gia chương trình cần phải đăng ký tức là đã có sự thẩm định nhất định về uy tín cũng như chất lượng sản phẩm của Ban tổ chức, nhưng tại thời điểm hiện tại, vẫn xuất hiện một số đơn vị bán các mặt hàng không rõ nhãn hiệu, nguồn gốc; một số đơn vị bán la liệt các mặt hàng nhái thương hiệu cao cấp với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Từ mỹ phẩm, nước hoa với giá từ dưới 100 nghìn đồng…
… cho tới đồng hồ Longines và túi Prada giá vài trăm nghìn.
Theo đánh giá, hiện giao dịch thương mại điện tử chiếm đến 2,5% GDP của Việt Nam, tương ứng với gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt tới 6 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, để thương mại điện tử Việt Nam có thể thực sự cất cánh, trước hết cần có giải quyết tận gốc "ma trận" về hàng giả, hàng nhái khi mua bán trực tuyến, giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng!