WB: Kinh tế Việt Nam “trụ vững” trong đà suy giảm toàn khu vực
(Dân trí) - Ngân hàng Thê giới (WB) đánh giá, trong khi có sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế toàn khu vực Đông Á Thái Bình Dương trong năm 2015, bao gồm cả Lào và Campuchia thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo sẽ trụ vững tại 6% như năm 2014.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu
Theo nhận định của WB, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giảm nhưng các nước còn lại trong khu vực sẽ tăng nhờ vào sự phục hồi kinh tế tại các nước phát triển, giá năng lượng thấp, ổn định chính trị được cải thiện, cải thiện thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu, tuy chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ có khả năng sẽ bị thắt chặt.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng dự báo sẽ đạt 7,1% năm 2015 và 7% năm 2016 do áp dụng các chính sách nhằm tăng trưởng ổn định hơn. Tăng trưởng toàn khu vực, trừ Trung Quốc, dự báo sẽ đạt 4,8% năm 2015 và 5,4% năm 2016 nhờ vào động lực từ các nền kinh tế lớn trong ASEAN.
Tại Indonesia, tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống 4,7% năm 2015, sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu. Tại Thái Lan, GDP dự tính sẽ tăng 3,5% năm 2015, trong đó xuất khẩu tăng nhẹ.
Tại Malaysia tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 4,7% năm 2015 do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí trong khi đó thì tăng trưởng tín dụng cũng vẫn còn chậm.
Báo cáo của WB cũng nhận định, triển vọng tăng trưởng Việt Nam trong 2015 sẽ ngang với mức của 2014, đạt 6% trước khi tăng lên 6,2% năm 2016 và 6,5% trong năm 2017.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Campuchia và Lào sẽ chậm lại. Cụ thể, tăng trưởng Campuchia dự kiến đạt 6,9% năm 2015 so với mức 7% năm 2014 và tại Lào là 6,4% so với mức 7,5% của năm vừa rồi.
Ngược lại, tốc độ tăng trưởng của Thái Lan sẽ tăng vọt từ mức 0,9% của năm 2014 lên 3,5% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng của Papua New Guinea sẽ tăng gấp đôi lên mức 16% so với mức 7,5% năm 2014.
Rủi ro cho tăng trưởng của toàn khu vực trong năm nay đến từ khả năng Trung Quốc giảm tăng trưởng mạnh hơn dự tính, mặc dù xác suất xảy ra là thấp. Nếu điều này xảy ra sẽ kéo theo các tác động lan toả tiêu cực lên các đối tác thương mại trong khu vực và các nước xuất khẩu hàng hoá.
Do các nền kinh tế trong khu vực là nền kinh tế mở nên đều sẽ bị tác động mạnh nếu các đối tác thương mại bị suy giảm tăng trưởng hoặc mỗi khi tỉ giá hối đoái thay đổi lớn, kể cả khi đồng USD tiếp tục tăng giá. Biến động trên thị trường tài chính hoặc đột ngột siết chặt điều kiện cấp vốn sẽ là những nhân tố gây rủi ro lớn.
Bên cạnh đó, phục hồi kinh tế thấp hơn mong đợi tại các nước thu nhập cao, nhất là tại Hoa Kỳ, khu vực châu Âu, Nhật Bản và các Nền Kinh tế Công nghiệp mới sẽ kìm hãm thương mại toàn cầu và thương mại khu vực cũng như kim ngạch xuất khẩu của các nước trong khu vực mà 60-90% lượng hàng xuất khẩu được xuất sang các nước thu nhập cao.
Nếu giá nhiên liệu tiếp tục giữ ở mức thấp thì đây sẽ là yếu tố thuận lợi đối với viễn cảnh kinh tế khu vực nhưng giá cả hàng hoá thấp đang cản trở tăng trưởng tại các nước xuất khẩu hàng hoá và các nước này phải tự điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh đó.
Bích Diệp