Hội nghị CG 2011:

WB hiến kế hoá giải khó khăn cho ngành ngân hàng

(Dân Trí) - Việc lạm dụng các công cụ trực tiếp (công cụ hành chính) thay vì các công cụ thị trường có thể sẽ có hại cho sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

WB hiến kế hoá giải khó khăn cho ngành ngân hàng - 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị CG 2011
 
Cảnh báo này vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Hội nghị CG 2011 trước những kỳ vọng hồi phục của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua. 
 
Theo đánh giá của WB, hiện Việt Nam có quá nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ, hoạt động tại thành thị và có danh mục cho vay phát triển quá nóng. Do hàng loạt vấn đề như áp lực tăng trưởng, hệ thống quản lý rủi ro còn tương đối kém phát triển, kỹ năng quản lý yếu kém nên “chất lượng” hoạt động ngân hàng không đảm bảo.

 

WB dẫn chứng tỷ lệ nợ xấu (NLP) của các ngân hàng Việt Nam vào cuối năm 2010 xấp xỉ  2% và cho rằng đó chưa phải là con số cuối cùng.

 

WB khẳng định, nếu các quy định được nâng lên theo tiêu chuẩn quốc tế và được tuân thủ tốt thì NLP của Ngành ngân hàng chúng ta sẽ còn cao hơn rất nhiều.

 

Tuy vậy, WB ghi nhận những những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) trong nỗ lực tăng tính an toàn, nói đúng hơn là tìm lại “sức khỏe” cho hệ thống ngân hàng trong suốt thời gian qua, trong đó có nỗ lực tăng vốn tối thiểu của các ngân hàng, can thiệp kịp thời bằng các biện pháp hành chính trước những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô.

 

WB ghi nhận, việc SBV áp dụng nhiều biện pháp hành chính bao gồm áp dụng mức trần cho tăng trưởng tín dụng (20% cho năm 2011), lãi suất tiền gửi (Việt Nam đồng là 14%, USD là 2% đối với các khoản tiết kiện cá nhân và 0,5% đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế), cũng như áp dụng các mức trần cho các lĩnh vực phi sản xuất và quy định cấm huy động và cho vay vàng... đã mang lại hiệu quả tích cực trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm anh sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo WB, những kết quả đạt được là chưa khả quan, để hệ thống ngân hàng hoạt động tốt đảm bảo bình ổn, phát triền nền kinh tế SBV cần phải cần những công cụ hiệu quả. Một trong những giải pháp mà WB đưa ra đó là, các chính sách dựa vào các biện pháp hành chính nói trên cần phải được loại bỏ và thay vào đó bằng cơ chế thị trường.

 

WB khuyến cáo, trong dài hạn, việc lạm dụng các công cụ trực tiếp (công cụ hành chính) này thay vì các công cụ thị trường có thể sẽ có hại cho sự lành mạnh của  hệ thống ngân hàng cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế.

 

Một giải pháp khác mà WB nêu ra là SBV cần tăng cường hơn nữa khung pháp lý và giám sát cũng như tuân thủ hiệu quả các quy định.
 
WB đánh giá SBV đã nỗ lực tăng cường giám sát bằng cách thiết lập Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng và điều chỉnh hai luật và quy định ngân hàng về tỷ lệ đảm bao an toàn... nhưng thực tế kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.

 

 Văn Dũng