WB cấp 250 triệu USD cho Việt Nam để cải cách kinh tế
(Dân trí) - Khoản vay ưu đãi trị giá 5.240 tỷ đồng là khoản đầu tiền trong chuỗi 3 khoản tín dụng nhằm giúp Việt Nam cải cách quản lý kinh tế. Theo đánh giá của World Bank (WB), quá trình cải cách đã bắt đầu tư thập kỷ 90 nhưng đang chậm lại những năm gần đây.
WB: Tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam gần đây đã chậm lại.
Thông tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho hay, ngày 19/3, Ban Giám đốc điều hành tổ chức này đã phê duyệt khoản Tín dụng hỗ trợ Quản lý và Cạnh tranh Kinh tế đầu tiên (EMCC 1) cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam cải cách quản lý kinh tế nhằm tạo ra năng suất và khả năng cạnh tranh cao hơn.
EMCC 1 - khoản tín dụng đầu tiên trong chuỗi 3 khoản tín dụng, sẽ cấp ưu đãi 250 triệu USD (khoảng 5.240 tỷ đồng) để hỗ trợ Việt Nam cải cách trong 7 lĩnh vực chính sách.
Nhóm chính sách bao gồm khu vực tài chính; chính sách tài khóa; hành chính công và trách nhiệm giải trình; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý đầu tư công; hiệu quả môi trường kinh doanh; bình đẳng và minh bạch của môi trường kinh doanh.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam cho biết, EMCC là sự tiếp nối của chuỗi Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo đã thực hiện thành công, nhằm giải quyết những thách thức mới nổi, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
EMCC có mục tiêu dài hạn là hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới, tập trung vào khả năng cạnh tranh và chất lượng của tăng trưởng. Chương trình cải cách kinh tế này sẽ diễn ra trong 3 năm tới.
World Bank cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là một ưu tiên hàng đầu để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, do đó, đây cũng là mục tiêu cốt lõi của EMCC.
EMCC sẽ giúp giám sát các chính sách kinh tế vĩ mô và đảm bảo rằng sẽ hỗ trợ nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ. Quản lý đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng là những chủ đề quan trọng của chương trình này.
Ngoài ra, EMCC ưu tiên những nỗ lực của Chính phủ để giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật tài chính, vì đây là những điểm rất quan trọng, ảnh hưởng tới năng suất và khả năng cạnh tranh.
Theo ghi nhận của World Bank, Việt Nam đã tiến hành cải cách quan trọng vào đầu những năm của thập kỷ 90 và đã góp phần tăng khả năng cạnh tranh, giúp thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo nhanh.
Tuy nhiên, quá trình cải cách đang chậm lại trong những năm gần đây. Do vậy, cần những cải cách mới để giải quyết sự thiếu hiệu quả của tái cấu trúc, thúc đẩy việc sử dụng hiểu quả nhân lực và vốn, tăng năng suất của cả nền kinh tế.
Bích Diệp