Vụ xi măng Đại Việt: Tỉnh chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường, dân "lãnh đủ"

(Dân trí) - Khi quy hoạch phê duyệt dự án đầu tư nhà máy xi măng Đại Việt, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường khi có khu dân cư tồn tại trong khu công nghiệp Dung Quất...

Nhà máy sau khi hoạt động thải ra khói bụi mù mịt nên 427 hộ dân dựng lều ngăn cản nhà máy hoạt động...
Nhà máy sau khi hoạt động thải ra khói bụi mù mịt nên 427 hộ dân dựng lều ngăn cản nhà máy hoạt động...

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về giải quyết liên quan đến nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung tại Quảng Ngãi.

Văn bản nêu rõ, nhà máy nghiền xin măng Đại Việt - Dung Quất được triển khai xây dựng từ tháng 8/2005 và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012.

Tuy nhiên, khi quy hoạch phê duyệt dự án đầu tư của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường khi có khu dân cư tồn tại trong khu công nghiệp Dung Quất. Các sở ngành liên quan của tỉnh chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để có phương án phù hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của các họ dân đang sinh sống trong khu công nghiệp và đảm bảo đời sống ổn định, lâu dài của nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu không chỉ riêng đối với nhà máy nghiền xi măng Đại Việt mà còn các nhà máy nên cần được xử lý tổng thể vấn đề về an toàn môi trường đối với các nhà máy đang hoạt động trong khu vực.

Về lâu dài, cần thực hiện di dời các hộ dân đến nơi ở mới theo quy hoạch. Chính quyền địa phương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch, phương án cụ thể cho công tác đề bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân đến nơi ở mới, tìm kiếm quỹ đất, nguồn kinh phí thực hiện, các giải pháp thu hút đầu tư.

Theo Phó Thủ tướng, việc di dời các hộ dân sẽ tạo thêm quỹ đất để các doanh nghiệp khác vào đầu tư nên cần có các giải pháp để thu hút đầu tư khu vực này.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường tại nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng và các quy định pháp luật có liên quan, tiến hành quan trắc về môi trường, công khai kết quả.

Trên cơ sở đó, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để nhà môi trường để nhà máy hoạt động, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1/5/2018.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra an toàn về môi trường đối với các nhà máy tại khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi theo đúng tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường hiện hành. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung có các giải pháp đảm bảo về môi trường tại nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất theo quy định, tạo điều kiện để nhà máy hoạt động.

Ngoài ra chủ trì, phối hợp với các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế và Tư pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn chung về an toàn môi trường đối với các dự án, ngành nghề có yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có ngành công nghiệp nghiền Clinker.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, rà soát quy hoạch Khu công nghiệp Dung Quất và các quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp để UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng lộ trình, kế hoạch, phương án di dời các hộ dân thôn Tân Hy và Sơn Trà hiện đang sinh sống trong khu công nghiệp và đề ra các chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tại khu vực này, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý 2/2018.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi: Xây dựng lộ trình, kế hoạch, phương án để di dời dân, trong đó tập trung bố trí quỹ đất, nguồn kinh phí để thực hiện và thông báo để người dân biết.

Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền, hệ thống chính trị tại địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không cản trở hoạt động của các cơ quan liên quan và hoạt động của nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Trước đó, theo người dân địa phương, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất hoạt động gây khói bụi và tiếng ồn phát tán ra môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống.

Đáng lưu ý, theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, trong năm năm hoạt động, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất đã hai lần bị sự cố làm bụi phát tán ra môi trường. Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất từng di dời 107 hộ dân cách nhà máy 50m đến nơi ở mới với chi phí 36 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2014, tiếp tục đánh giá mức độ ô nhiễm và niêm yết sẽ di dời 427 hộ dân sống cạnh nhà máy. Đến tháng 3/2015, nhà máy sau khi xử lý sự cố đã hoạt động trở lại nhưng khói bụi vẫn tiếp tục thải ra mù mịt nên 427 hộ dân dựng lều ngăn cản nhà máy hoạt động.

Nguyễn Khánh

Vụ xi măng Đại Việt: Tỉnh chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường, dân "lãnh đủ" - 2