1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ “tranh chấp tài sản 1.000 tỷ”: Sacombank làm đúng hay sai?

Việc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) trả lại cho cô H.L gần 20 sổ tiết kiệm đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là phía ông P.

Như đã thông tin, do thời gian gửi hết hạn nên Sacombank đã trả lại cho cô H.L (con nuôi bà T.K.P, ngụ quận Tân Phú - TPHCM) gần 20 sổ tiết kiệm, trị giá hàng trăm tỉ đồng. Số tài sản mà cô H.L nhận chỉ là một phần tài sản trong két sắt được ông P. (em bà T.K.P) và cô H.L đồng đứng tên thuê rồi gửi tại Sacombank. Đây là khối tài sản khổng lồ do bà T.K.P để lại sau khi đột ngột qua đời, không kịp làm di chúc. 

 

Vì sao Sacombank trả lại tài sản cho cô H.L?

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc Sacombank trao gần 20 cuốn sổ tiết kiệm cho cô H.L được ngân hàng lý giải là khi hết thời hạn thuê két sắt nếu chỉ có cô H.L chấm dứt hợp đồng thì ngân hàng sẽ không chấp nhận vì ông P. và cô H.L cùng thuê. Tuy nhiên, do ông P. đã có một khoảng thời gian khá dài nhưng  không đưa ra được chứng cứ nào cho thấy số tài sản đó liên quan đến mình.

 

Từ đó, Sacombank đã nhiều lần thông báo đến ông P. yêu cầu thanh lý hợp đồng thuê két sắt nhưng ông P. chưa thực hiện vì vậy buộc Sacombank trả lại gần 20 sổ tiết kiệm cho cô H.L. Số sổ tiết kiệm này phải được pháp luật công nhận cô H.L là người được hưởng thừa kế, khi đó các ngân hàng mới cho H.L rút tiền.

 

Tuy nhiên, theo luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng Luật sư Người nghèo tại TPHCM, nếu như không có thỏa thuận trong hợp đồng thuê két sắt giữa bên A gồm ông P. và cô H.L với bên B là Sacombank về việc một trong hai bên không đồng ý, sẽ giao cho bên đồng ý thì việc Sacombank giao tài sản cho cô H.L. là chưa phù hợp với những điều khoản đã ký kết với khách hàng.

 

“Tuy nhiên, vấn đề này không mang tính quyết định đối với việc tranh chấp tài sản giữa cô H.L và gia tộc ông P.”- luật sư Thanh nói.

 

Vi bằng ghi nhận buổi họp giữa các bên tại Sacombank chiều 30/5.
Vi bằng ghi nhận buổi họp giữa các bên tại Sacombank chiều 30/5.

 

Còn theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TPHCM, mặc dù nguyên nhân phát sinh việc ký gửi khối tài sản đang tranh chấp là do sự tự thỏa thuận giữa gia tộc ông P. và cô H.L, nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng ký gửi với Sacombank thì quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên - bên ký gửi tài sản và bên nhận ký gửi tài sản - sẽ bị ràng buộc bởi các điều khoản của hợp đồng.

 

Như vậy, căn cứ vào các điều khoản đã ký kết trong thời gian thực hiện hợp đồng nếu bên nào vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia thì bên bị xâm hại lợi ích có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bồi thường thiệt hại.

 

Phân định chuyện thừa kế

 

Liên quan đến vấn đề thừa hưởng, theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TPHCM, khối tài sản này được nhìn nhận ở 2 góc độ:

 

Thứ nhất, hoàn toàn là tài sản riêng của bà P, thì đây là di sản thừa kế. Vì bà P. chết không để lại di chúc nên phần di sản này phải chia theo pháp luật (điều 675 Bộ Luật Dân sự -  BLDS) và phải xác định ai là người được hưởng thừa kế của bà P. Theo các thông tin báo chí nêu thời gian qua thì rõ ràng chỉ có người con nuôi - cô H.L - là người có quyền thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

 

Cô H.L sẽ thực hiện các thủ tục luật định để được hưởng khối tài sản này bằng thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng và sẽ trực tiếp thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc cũng có thể ủy quyền cho người khác tiến hành. Tài sản được khai nhận sẽ là toàn bộ các tài sản của bà P. gồm động sản và bất động sản.

 

Một nhà xưởng do bà T.K.P để lại tại quận Tân Phú - TPHCM.
Một nhà xưởng do bà T.K.P để lại tại quận Tân Phú - TPHCM.

 

Cơ quan công chứng sẽ tiến hành gửi thông báo xuống UBND phường nơi bà P. có hộ khẩu thường trú để thực hiện việc niêm yết 30 ngày. Trong thời gian này, nếu không có ai tranh chấp thì UBND phường sẽ thông báo để cơ quan công chứng lập văn bản xác nhận di sản thừa kế và người được hưởng. Căn cứ vào văn bản này, cô H.L sẽ tiến hành chuyển chủ quyền đối với các tài sản là bất động sản và động sản. Từ đây, cô H.L có toàn quyền định đoạt số tài sản nêu trên. Tuy nhiên, trước khi hưởng phần tài sản này, cô H.L phải thực hiện các nghĩa vụ của người được hưởng di sản theo quy định tại điều 683 BLDS trong việc giải quyết các khoản nợ, trợ cấp, chi phí mai táng, tiền công lao động, chi phí bảo quản di sản....

 

Thứ hai, trong phần tài sản trên có liên quan đến anh em, họ hàng (phải có sự chứng minh hợp pháp, luật định và được cơ quan thẩm quyền xác nhận) thì phần tài sản liên quan này là tài sản chung và được chia cho các đồng sở hữu theo phần (điều 216 BLDS). Ai chứng minh được phần của mình thì được hưởng tương ứng. Phần còn lại là di sản thừa kế và được xử lý như trên.

 

 Có thể khởi kiện

 

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TPHCM, ông P. hay bất kỳ một người dân nào cũng có thể kiện ra tòa nếu chứng minh được trong khối tài sản khổng lồ đó có phần hùn hạp làm ăn, mua bán của mình bằng các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ.

 

Nếu ông P. muốn luật pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì phải chứng minh trước tòa bằng những bằng chứng cụ thể, giao ước giao kèo, tỉ lệ ăn chia khi ăn nên làm ra cũng như lúc thua lỗ… Còn ngược lại, tòa án sẽ bác đơn kiện nếu nguyên đơn không chứng minh được.

 

Theo Phạm Dũng – Thy Thơ

NLĐ

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm