Vụ táo, lê để hàng tháng vẫn tươi: Loay hoay tới bao giờ?

Trong khi táo, lê Trung Quốc tràn ngập thị trường, với nỗi hoài nghi độc hại thì những mặt hàng cùng loại xuất xứ từ nước kiểm soát tốt chất lượng như Pháp lại chật vật mãi không vào nổi Việt Nam. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các đơn vị chức năng thuộc bộ này trả lời loay hoay như người ngoài cuộc.

Chất lượng táo nhập khẩu luôn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Ngọc Châu

 

Phó Thủ tướng cũng quan tâm

 

Dư luận đang đặt câu hỏi, táo và thịt bò có nguồn gốc từ những nước kiểm soát tốt chất lượng vì sao chưa được cho phép nhập khẩu, trong khi lại mở toang với cùng loại có xuất xứ Trung Quốc. Ngay cả Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT xem xét, bãi bỏ quy định tạm đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Pháp, nếu loại thực phẩm này đáp ứng các điều kiện.

 

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT hợp tác chặt chẽ, kịp thời trao đổi, hướng dẫn để tạo điều kiện cho táo, thịt bò Pháp được xuất vào nước ta.

 

Nói về việc này, ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết, dù táo nhiều nước đã xuất vào Việt Nam, nhưng với Pháp là mặt hàng xuất xứ mới. Theo quy định, với hàng xuất xứ mới, phải qua đánh giá nguy cơ dịch hại, thấy an toàn mới cho phép nhập vào Việt Nam.

 

Theo ông Trung, phía Pháp cho rằng táo của họ trước đây đã được xuất sang Việt Nam, nên đề nghị nước ta tiếp tục cho phép. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục BVTV cho biết, qua kiểm tra các dữ liệu, chưa thấy táo nước này được nhập vào Việt Nam.

 

“Chúng tôi đề nghị Pháp cung cấp bằng chứng, như giấy kiểm dịch thực vật của Pháp cung cấp cho lô hàng xuất sang Việt Nam, nhưng họ chưa làm được. Về sau Pháp có cung cấp một số tài liệu như tờ khai hải quan, tờ khai doanh nghiệp. Điều đó không có nghĩa cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam cho phép nhập khẩu táo Pháp”- ông Trung nói.

 

Theo lãnh đạo Cục BVTV, hiện Pháp đã cung cấp hồ sơ. Cục BVTV đang đánh giá nguy cơ dịch hại và gửi cho phía Pháp để thống nhất. Sau đó, cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam sẽ xây dựng điều kiện nhập khẩu cụ thể dựa trên cơ sở quy định chung. Ông Trung cho biết, tùy theo chất lượng thông tin phía Pháp cung cấp, quá trình đánh giá nguy cơ dịch hại sẽ xong sớm hay muộn.

 

“Các nước họ đối xử với ta như thế nào, mình cũng đối xử với họ như vậy theo thông lệ quốc tế”- ông Trung nói. Ông này lấy ví dụ: quả thanh long Việt Nam, sau khi gửi hồ sơ, 6 năm sau, Mỹ mới cho xuất vào; Nhật tới 4 năm; Hàn Quốc hơn 3 năm…

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Rất trăn trở”

 

Trong khi táo Pháp chờ “xem xét” kỹ thì người tiêu dùng đang hoang mang trước “ma trận” táo Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của Tiền Phong “Bộ trưởng có tin quả lê để 5 tháng, táo để 9 tháng vẫn tươi? Nếu ăn, sau thời gian đó, liệu có an toàn?” Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Các nhà khoa học có thông tin cho tôi, về mặt sinh học, cũng có những giống táo, lê có thể để được lâu. Ở nước ta, quả bưởi Đoan Hùng, nếu để trong điều kiện mát cũng được mấy tháng. Hơn nữa, khi sử dụng một số loại thuốc bảo quản, có thể kéo dài thời gian”.

 

Tuy nhiên, ông Phát cho rằng: “Chúng tôi rất trăn trở trước những quan ngại của người tiêu dùng. Vì thế, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc, đặc biệt là Cục BVTV phải thực hiện tất cả các biện pháp để giám sát; và đảm bảo rằng, nông sản trong đó có rau quả nhập vào Việt Nam phải đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm”.

 

Bộ trưởng Phát cho biết, riêng trái cây nhập từ Trung Quốc, “yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt, theo đúng thông lệ quốc tế”. Theo ông, một số trái cây có thể bảo quản trong thời gian dài (kể cả của Trung Quốc cũng như nước khác) là kết quả của giống và sử dụng các loại thuốc bảo quản.

 

Sau chuyến thị sát tại Lạng Sơn hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Viện kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia lấy 15 mẫu hoa quả tại Lạng Sơn và nhiều mẫu ở các tỉnh (trong đó có Hà Nội) để kiểm nghiệm. Tuy nhiên đến thời điểm này kết quả kiểm nghiệm vẫn chưa được công bố.

 

Trao đổi với Tiền Phong, Cục trưởng An toàn Thực phẩm Trần Quang Trung cho hay, Viện kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia đã tiến hành phân tích các mẫu hoa quả này. Đơn vị “đang trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để xin ý kiến chỉ đạo”.

 

 Thịt bò châu Âu, táo Pháp chưa được phép nhập vào Việt Nam

 

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua, bà Fleur Pellerin, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, phát triển Du lịch và người Pháp ở nước ngoài cho biết, hiện phía Pháp vẫn chưa được phép xuất khẩu thịt bò và táo vào Việt Nam.

 

Theo bà Fleur Pellerin, hiện Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ các nước châu Âu, kể từ sự kiện thịt bò điên ở châu lục này cách đây hơn chục năm. Khi đó, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hầu hết các nước Đông Nam Á đều ban hành lệnh cấm nói trên. Tuy nhiên, ngoại trừ Việt Nam, năm ngoái, nước cuối cùng trong khu vực đã dỡ bỏ lệnh cấm là Indonesia.

 

Bà Fleur Pellerin nói, bà thường xuyên ăn thịt bò và hiện không có bất cứ nguy cơ nào về sức khỏe khi dùng thịt bò tại Pháp cả. Riêng mặt hàng táo Pháp, theo bà Fleur Pellerin hiện vẫn còn vướng một số thủ tục về quy trình để cho phép táo Pháp có mặt tại Việt Nam.

 

Bà Quốc vụ khanh cho biết, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định rằng, không có bất cứ lý do nào về mặt chính sách để ngăn cản táo Pháp vào Việt Nam, bởi hiện trên thị trường đã có táo Mỹ, táo Trung Quốc vào rồi, vấn đề ở đây chỉ là thủ tục mà thôi.

 

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong rằng, “bà có thể giải thích vì sao thủ tục nhập khẩu táo Pháp vào Việt Nam gặp khó khăn, trong khi thị trường Việt Nam tràn ngập táo Trung Quốc?”, bà Fleur Pellerin cho biết: Chúng tôi được hướng dẫn cần phải làm việc tích cực hơn nữa với Bộ NN&PTNT, bởi đây là cơ quan phụ trách về vấn đề này.

 

Việt Hùng

 

 

 Theo Phạm Anh - Nguyễn Hà
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”