Vụ sữa tươi - lại là “chiêu” PR?
Sau sự cố nhập nhèm nhãn mác trên sản phẩm sữa tươi, thị trường sữa tươi trầm lắng hẳn. Nhà sản xuất ra sức thanh minh còn người tiêu dùng thì đã bị mất niềm tin. Liệu đây có phải là sự cố ngẫu nhiên hay là “chiêu” PR của các doanh nghiệp sữa nhằm triệt phá lẫn nhau?
Ảm đạm thị trường sữa tươi
Tại Cửa hàng G7 Mart (Trần Quang Diệu, Q.3) chị Liên chủ cửa hàng cho hay, từ trong tháng 10 doanh thu mặt hàng sữa tươi và sữa nước tại cửa hàng của chị giảm đáng kể (gần 80%) so với các tháng trước. Nhiều khách hàng đã quen dùng sữa tươi nay vẫn khựng lại và tỏ ý phân vân khi chọn lựa các sản phẩm này.
Tương tự, tại siêu thị Maximax trên đường 3/2 nhân viên giám sát quầy sữa cũng cho biết thêm, nếu như trước đây mặt hàng sữa tươi, sữa nước là bán chạy nhất thì nay lại nhường chỗ cho các sản phẩm khác như sữa bột, sữa chua uống, yaourt…
Tại Việt Nam, sữa đang là mặt hàng có sức tiêu thụ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, khoảng 200 triệu lít sữa/năm với mức tăng trưởng hàng năm gần 25%. Sữa tươi và sữa nước được người tiêu dùng ưu chuộng bởi đó là nguồn dinh dưỡng tự nhiên.
Cũng chính vì vậy, khi có dư luận lên tiếng về việc nhập nhằng nhãn mác, thành phần nguyên liệu trong sản phẩm sữa tươi, người tiêu dùng đã phản ứng rất mạnh, gần như “tẩy chay” sản phẩm trên thị trường.
“Sữa tiệt trùng không phải là sữa tươi”
Sữa tươi là sữa được vắt từ bò, vốn giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, thành phần của sữa tươi không ổn định (phụ thuộc vào giống bò, thời kỳ tạo sữa, thời điểm vắt sữa…) và chứa nhiều vi khuẩn. Vì vậy, không nên uống sữa tươi chưa qua xử lý. Sau khi xử lý và đóng gói, sữa tươi sẽ trở thành sữa thanh trùng, tiệt trùng hay tiệt trùng kiểu UHT tùy kỹ thuật xử lý.
Sữa thanh trùng là sản phẩm sữa nước được làm từ sữa tươi, sữa nguyên kem, hay sữa đã tách béo và chất béo; có thể uống trực tiếp.
Sữa tiệt trùng được làm từ sữa tươi, sữa nguyên kem hay sữa đã tách béo, các loại chất béo và những thành phần khác; có thể uống trực tiếp. Loại sữa này thường được đóng chai.
Sữa tiệt trùng kiểu UHT (ultra high temperature) được làm từ sữa tươi, sữa nguyên kem hay sữa đã tách béo, các loại chất béo và những thành phần khác. Loại sữa này thường được đóng gói vô trùng trong hộp giấy hay chai nhựa. Quá trình tiệt trùng kiểu UHT thông thường là sự gia nhiệt từ 140 - 150 độ trong vòng 4 - 6 giây. |
Vinamilk có lẽ là doanh nghiệp sữa bị ảnh hưởng nặng nhất trong vụ này, ngày 18/10 đích thân bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty đã có buổi gặp gỡ giới báo để giải thích về vấn đề này (cũng cần phải nói thêm rằng, bà Liên vốn được coi là doanh nhân ít tiếp xúc hay xuất hiện trên báo chí).
Tuy lời giải thích của bà Liên chưa làm hài lòng tất cả giới báo hay người tiêu dùng, nhưng sự thẳng thắn thừa nhận nhãn mác của Vinamilk không phù hợp với qui định, đồng thời cam kết sửa sai đã làm giảm đi phần nào sự căng thẳng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tiếp theo Vinamilk, công ty Dutch Lady Việt Nam cũng đã nhanh chóng họp báo để giải thích về sự cố sữa đang làm ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của công ty. Khác với Vinamilk, ông Rien De Groot, Tổng Giám đốc Dutch Lady Việt Nam nhấn mạnh: “Sản phẩm của Dutch Lady không phải là sữa tươi”.
Theo ông Rien De Groot, cần phân biệt rõ các loại sữa nước hiện nay (bao gồm sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng kiểu UHT).
“Hiện nay, Dutch Lady Việt Nam chỉ sản xuất sữa tiệt trùng theo kiểu UHT, sản phẩm được ghi nhãn là sữa tiệt trùng theo đúng qui định của Bộ Y tế. Chúng tôi không ghi nhãn sản phẩm của mình là “sữa tươi” song chúng tôi cũng bị kéo vào cuộc tranh luận trên” - ông Rien De Groot cho hay.
Lại là “chiêu” PR?
Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng, rất có thể sự cố sữa trên có bàn tay từ một công ty. Thật ra chuyện dùng chiêu để triệt hại uy tín của đối thủ trong giới kinh doanh sữa không phải là việc lạ.
Còn nhớ vụ sữa E. đã bị dính chiêu PR và bị điêu đứng một thời gian, sau đó đến sữa N. và rất nhiều vụ khác liên quan đến sữa, thực phẩm… Điều làm cho người ta dễ dàng nhận ra “chiêu” nhất, đó là sau khi báo chí đăng tải thông tin bất lợi cho doanh nghiệp đối thủ thì doanh nghiệp “tung chiêu” nhanh chóng photo copy bài báo đem “biếu” cho hầu hết nhà phân phối, cửa hàng, đại lí… và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đây có phải là “chiêu” hay không chưa phải là vấn đề cần bàn. Đối với người tiêu dùng thì nhu cầu quan trọng nhất là được hiểu rõ về sản phẩm mình đang dùng. Do vậy, nếu nhà sản xuất luôn minh bạch trong việc ghi nhãn mác, minh bạch thông tin về sản phẩm thì sẽ không có kẽ hở cho doanh nghiệp khác vạch mặt và cũng không phải lo “cháy nhà sẽ ra mặt chuột”.
Theo Nguyễn Sa
VietNamnet