Vụ Sacombank cho vay tín chấp 660 tỷ đồng, chuyện là thế nào?
Sacombank đã cho CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) vay tín chấp 660 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của TPC là 150 tỷ đồng, thu nhập sau thuế của năm trước khi vay âm 689 triệu đồng.
Ngày 16/8/2012, lãnh đạo Sacombank, trong đó có ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT, đã phê duyệt chủ trương cho Công ty TNHH Nhựa Tân Đại Hưng vay tín chấp 660 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý là công ty được vay chính là của ông Phạm Trung Cang - người đang "dính" vào vòng lao lý của vụ án bầu Kiên. Ông Cang nguyên là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank và trước đó là Phó chủ tịch HĐQT ACB. TPC có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, có 2 thành viên sáng lập chi phối (chiếm 96,66%) là bà Đỗ Thị Quế Thanh và ông Phạm Trung Cang. Lợi nhuận sau thuế năm 2012 của TPC gần 30 tỷ đồng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Vụ Sacombank cho vay tín chấp 660 tỷ đồng, chuyện là thế nào? |
Ông Phạm Trung Cang là Chủ tịch HĐQT TPC nhiệm kỳ 2012 - 2016, đồng thời cũng là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu của riêng ông và người thân lên đến hơn 24%. Ông Cang là người đã gắn bó cùng TPC từ những năm 1978 trong cương vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Nhưng năm 2012 có thể nói là năm đầy sóng gió đối với ông Cang, ông đã đồng thời rời khỏi vị trí Chủ tịch tại TPC và Phó chủ tịch tại Eximbank.
Sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 10/2/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng lần hai (Cáo trạng số 09), tiếp tục truy tố với Phạm Trung Cang liên quan đến vụ án Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế.
Cùng với việc từ nhiệm của ông Cang tại TPC, ĐHCĐ 2013 của Công ty này đã tiến hành bầu bổ sung một thành viên để lấp lại vị trí khuyết trong HĐQT. Người được đề cử bổ sung vào HĐQT là bà Phạm Đỗ Diễm Hương, con ruột ông Phạm Trung Cang, đang sở hữu 896,700 cổ phiếu TPC, tương đương với 3,7% vốn. Bà Hương sinh năm 1989, tốt nghiệp đại học và đang là chuyên viên tài chính. Tuy nhiên, không ít cổ đông đã bày tỏ nghi ngại về năng lực và kinh nghiệm của bà Hương khi đảm nhiệm chức vụ quan trọng này. Lợi nhuận thuần sau thuế của TPC trong năm 2013 cũng chỉ đạt trên 16,6 tỷ đồng so với hơn 30 tỷ đồng của năm trước đó.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý IV/2013 của TPC được công bố cuối tháng 2/2014, tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty trong năm qua là 123 tỷ đồng, trong khi năm trước âm 118 tỷ đồng. Năm 2013, TPC chỉ vay 442 tỷ đồng, nhưng Công ty lại trả nợ hơn 809 tỷ đồng, nên dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 410,5 tỷ đồng. Theo đó, tiền thuần trong kỳ âm 285,3 tỷ đồng.
Để tìm hiểu rõ hơn về khoản vốn lớn 660 tỷ đồng mà Sacombank đã cho Tân Đại Hưng vay dưới dạng tín dụng, ĐTCK đã liên lạc trực tiếp với Ban lãnh đạo Sacombank, nhưng phía Sacombank từ chối bình luận về khoản vay này và chỉ cho biết, Ngân hàng đã chấp hành các quy định của NHNN về việc triển khai tín dụng, kể cả đối với khoản vốn 660 tỷ đồng cho Tân Đại Hưng vay tín dụng. Theo một lãnh đạo cấp cao của Sacombank thì khoản vay này hoàn toàn không có rủi ro và đã được tất toán.
Sacombank cho rằng, việc cung cấp khoản tín dụng được thỏa thuận giữa Ngân hàng và khách hàng trên cơ sở đánh giá và kiểm soát được khoản vay đó, đồng thời thực hiện đúng theo các quy định của NHNN. Đây cũng là thông tin giữa khách hàng và ngân hàng phải được đảm bảo, nhưng không hiểu sao lại bị rò rĩ ra bên ngoài. Năm qua, tăng trưởng tín dụng Sacombank đạt mức tương đối ấn tượng 13,7%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,44%. Ước 3 tháng đầu năm nay, tín dụng Sacombank được lãnh đạo nhà băng này cho biết, sẽ đạt khoảng 2,3% và chủ yếu cho vay nhỏ, lẻ. Còn tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,49%.
Tuy nhiên, năm qua, Sacombank đã bán nợ cho VAMC trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục bán thêm trong thời gian tới. Nợ xấu của ngân hàng này chủ yếu là Nhóm 4, Nhóm 5, nhưng đã chủ động trích dự phòng đầy đủ. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của Sacombank năm nay là dưới 3%.
Trao đổi với ĐTCK về khoản vốn cho vay tín chấp mà Sacombank đã cấp cho Tân Đại Hưng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, về nguyên tắc, ngân hàng được phép cho vay tín chấp và không hạn chế hạn mức tín dụng, nếu ngân hàng đó chấp hành theo đúng các quy định của NHNN. Các khoản vay tín chấp sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng thông qua một hợp đồng tín dụng.