Vụ lùm xùm giữa "nữ hoàng hột vịt" và quỹ đầu tư ngoại: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, mâu thuẫn hay sự đổ vỡ trong những thương vụ hợp tác một phần là do sự thiếu hiểu biết của công ty tư nhân, một phần có thể đến từ sự “cáo già” của các quỹ, cài cắm những điều khoản quá có lợi cho quỹ.

Thương vụ góp vốn giữa Ba Huân và VinaCapital đã bị huỷ bỏ sau khi nữ hoàng hột vịt có đơn kêu cứu lên Thủ tướng.
Thương vụ góp vốn giữa Ba Huân và VinaCapital đã bị huỷ bỏ sau khi "nữ hoàng hột vịt" có đơn kêu cứu lên Thủ tướng.

Như Dân trí đưa tin, mới đây, Công ty Ba Huân có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, các hiệp hội liên quan giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công ty sau những vướng mắc liên quan tới khoản đầu tư 32,5 triệu USD từ VinaCapital.

Theo thoả thuận ban đầu, VinaCapital đã đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%. Ngoài ra, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác.

Quỹ đầu tư này cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một quỹ đầu tư do VinaCapital chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần

Ngay sau khi thông tin từ phía Ba Huân được công bố trên thị trường, phía VinaCapital đã đưa ra tuyên bố chấm dứt quyết định đầu tư vào công ty này.

Doanh nghiệp địa phương “dũng cảm” cam kết miệng

Bình luận về vụ "lùm xùm" trên, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, bản chất của những mâu thuẫn trên đều xuất phát từ nhận thức và tập quán khác nhau của hai bên đối tác.

"Trong khi các quỹ đầu tư họ luôn có luật sư tham gia ngay từ đầu để ràng buộc các yêu cầu với doanh nghiệp và đưa cam kết của chủ doanh nghiệp vào hợp đồng, thì trái lại rất nhiều chủ doanh nghiệp nội địa lại dùng những cam kết miệng làm công cụ để tăng tính khả thi cho những kế hoạch tương lai mà bản thân họ cũng không chắc chắn thực hiện được. Họ cũng không có thói quen thuê luật sư chuyên ngành thực hiện soạn thảo rà soát hợp đồng”, ông Hưng nhận định.

Theo ông Hưng, khi xảy ra tranh chấp tất nhiên toà sẽ căn cứ vào hợp đồng đã ký với nhau để xử chứ không căn cứ vào cảm xúc tình cảm hay chỉ đạo của ai kể cả đấy là ý kiến của lãnh đạo.

"Mục tiêu của các quỹ đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp là làm sao doanh nghiệp hoạt động tốt để chia lợi nhuận, luật sư luôn nghĩ cách ràng buộc sao để an toàn nhất cho họ. Doanh nghiệp trong nước cần hiểu tập quán của mỗi bên, cần lưu ý những chi tiết trong hợp đồng sẽ giảm được thất vọng và mâu thuẫn trong quá trình triển khai”, ông cho biết.

Vị CEO kì cựu trên thị trường tài chính cho rằng, tập quán và thói quen luôn là điều tranh cãi và khó hoà nhập nhận thức nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập Quốc tế, không có con đường nào khác để bảo vệ mình là phải chặt chẽ trong hợp đồng và toà án mới là người có thể giúp giải quyết tranh chấp chứ không phải bất kỳ ai.

Doanh nghiệp tư nhân ngây thơ hay quỹ đầu tư ngoại "cáo già"?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam cho biết, sự kiện Ba Huân và VinaCapital chỉ là một trong nhiều sự kiện có sự mẫu thuẫn giữa quỹ đầu tư và công ty tư nhân nhận đầu tư.

"Một phần là do sự thiếu hiểu biết của công ty tư nhân trong các thương vụ nhận vốn. Một phần có thể đến từ sự “cáo già” của các quỹ, cài cắm những điều khoản quá có lợi cho quỹ mà không cân bằng giữa lợi ích các bên", ông đánh giá.

Ngoài thương vụ giữa Ba Huân và VinaCapital, ông Long dẫn trường hợp The KAfe và cho rằng đây là thương vụ "thất bại thảm hại", cả cho người sáng lập lẫn quỹ đầu tư, khi chuỗi cửa hàng phải đóng cửa sau khi CEO sáng lập bị buộc phải dời công ty chỉ sau một năm nhận vốn do không đáp ứng được các điều kiện trong thoả thuận đầu tư.

Hay như trường hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ đã bán mình cho Fortis chỉ sau hơn một năm nhận vốn từ VinaCapital và Deustche Bank. Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, nhà sáng lập bệnh viện cũng phải thừa nhận đã không nghiên cứu kỹ lưỡng khi nhận vốn từ quỹ đầu tư khiến hai bên có những mâu thuẫn không thể hàn gắn trong quá trình quản trị và điều hành.

Ông Long cho rằng, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn hoặc đổ vỡ trong các thương vụ có thể xuất phát từ chính phía doanh nghiệp tư nhân khi gọi vốn đầu tư đã vẽ ra một viễn cảnh quá đẹp nhằm được định giá tốt nhất, bán được cổ phần giá cao nhất.

"Quỹ đầu tư căn cứ trên viễn cảnh đó để định giá và đàm phán giá cổ phần sẽ mua. Và nếu các điều khoản cam kết lợi nhuận đã được đưa vào Thoả thuận đầu tư mà sau này không thực hiện được thì đó là nguồn của mâu thuẫn", ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng, một nguyên nhân khác có thể còn do doanh nghiệp không hiểu được các điều kiện thoả thuận, đặc biệt là điều kiện tăng tỷ lệ sở hữu của quỹ đầu tư, dẫn tới mâu thuẫn nặng do suy nghĩ quỹ đầu tư là "cá mập".

"Điều kiện nếu không đạt được kết quả kinh doanh đã cam kết thì phải chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần của Công ty cổ phần Ba Huân cho VinaCapital là một điều kiện cực kỳ quan trọng nhưng tôi dám chắc Ba Huân vì lúc đó cần vốn nên đã đánh giá thiếu thận trọng cam kết này", ông nhận định.

Ngoài ra, cũng có trường hợp quỹ đầu tư "cài cắm" các điều khoản có lợi: Lúc này quỹ là "cá mập". Bởi lẽ có trường hợp quỹ lợi dụng sự kém hiểu biết về tài chính của doanh nghiệp để đưa các điều khoản có lợi, thậm chí mang tính thâu tóm, cho quỹ trong Thoả thuận đầu tư.

"Quỹ thường nhắm tới mục tiêu thoái vốn ngắn hạn, đánh bóng hình ảnh công ty trong ngắn hạn, nhằm thoái cho các nhà đầu tư khác hoặc quỹ đầu tư khác. Lúc này người thiệt nhất là nhà sáng lập, là cổ đông nhỏ, là nhân viên trong công ty khi công ty không vận hành theo đúng định hướng chiến lược đã đề ra", ông cho biết thêm.

Phương Dung

Vụ lùm xùm giữa "nữ hoàng hột vịt" và quỹ đầu tư ngoại: Vì đâu nên nỗi? - 2