Vụ lừa đảo hàng chục tỉ đồng tại Agribank Bình Chánh: Đổ trách nhiệm cho giám đốc đã chết
(Dân trí) - Tiếp tay cho đối tượng bên ngoài trục lợi hàng chục tỉ đồng tiền nhà nước, thế nhưng, khi ra trước vành móng ngựa, các bị cáo từng là cán bộ của ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Chánh (TPHCM) lại đổ hết tội cho… người đã khuất.
Các bị cáo bị truy tố ra trước vành móng ngựa gồm: Dương Thanh Cường (SN 1966, ngụ quận Bình Tân, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bình Phát), Nguyễn Văn Lợi (SN 1962, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên phó giám đốc Agribank Bình Chánh) và các nhân viên thuộc Agribank Bình Chánh như Trần Thị Hoàng Yến (SN 1978, ngụ quận Bình Tân, nguyên phó phòng kế hoạch kinh doanh), Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1981, ngụ quận Bình Tân, nguyên cán bộ tín dụng Agribank Bình Chánh), Hoàng Như Bích (SN 1951, quê Nghệ An, nguyên cán bộ phòng kế hoạch kinh doanh).
Bị cáo Cường, người lập ra các công ty con để "trục lợi" tiền từ ngân hàng
Lập công ty để đi vay vốn ngân hàng
Theo bản cáo trạng, Dương Thanh Cường là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bình Phát. Tuy nhiên, với mục đích vay tiền của ngân hàng để mua, đầu tư bất động sản, trả các nợ cũ và chi tiêu cá nhân, Cường đã lập ra 2 công ty con là Công ty cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Tân Đại Phát và Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát.
Thấy việc thực hiện quy trình thẩm định, ký duyệt cho vay vốn tại Agribank Bình Chánh sơ sài nên từ năm 2007 đến 2009, Cường dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền. Theo đó, lợi dụng mối quan hệ và có sự giúp sức của ông Lý Văn Chức (nguyên Giám đốc Agribank Bình Chánh, đã chết trước ngày khởi tố vụ án), Cường đã lập khống hàng loạt các loại giấy tờ như giấy chứng nhận góp vốn, lập khống chứng từ chi trả tiền, nâng khống hợp đồng mua bán đất, nâng khống giá trị thực của mảnh đất từ 3 tỉ đồng lên thành 47 tỉ đồng, lập khống dự án… để vay hơn 19 tỉ đồng của Agribank Bình Chánh và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Đối với những hồ sơ vay của Cường, Nguyễn Thị Thanh Nga, Trần Thị Hoàng Yến, Hoàng Như Bích và Nguyễn Văn Lợi đã “nhắm mắt” cho qua khi không thực hiện đúng quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra đánh giá doanh nghiệp… Bằng sự dễ dãi này, Agribank Bình Chánh đã duyệt cho Công ty Tân Đại Phát và Công ty Thanh Phát đều do Dương Thanh Cường làm chủ, vay 19,25 tỉ đồng, gây thiệt hại tính đến ngày khởi tố vụ án là hơn 27,3 tỉ đồng (trong đó gốc là hơn 12,8 tỉ đồng, lãi hơn 14,4 tỉ đồng).
Chỉ đến khi các công ty của Cường không có khả năng thanh toán, cơ quan chức năng “sờ gáy” thì các đối tượng nguyên là lãnh đạo và cán bộ Agribank Bình Chánh mới biết là mình đã “vi phạm quy định về cho vay”.
Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Giám đốc Agribank Bình Chánh cùng các "lính" của mình đổ hết tội lỗi cho người đã khuất
Đổ hết tội cho vị giám đốc đã chết
Tại phiên tòa ngày 16/6, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo là vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Cường và các bị cáo làm việc trong Ngân hàng Agribank Bình Chánh đã lợi dụng mối quan hệ để bỏ qua các khâu kiểm tra và đánh giá tài sản rồi cho giải ngân tiền. Hành vi của các bị cáo đã làm thất thoát hàng chục tỉ đồng của nhà nước.
Vì vậy, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Dương Thanh Cường án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc bồi hoàn toàn bộ số tiền thất thoát.
VKS cũng đề nghị tuyên phạt Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Thị Thanh Nga mỗi bị cáo từ 10 đến 11 năm tù, Trần Thị Hoàng Yến, Hoàng Như Bích mỗi bị cáo từ 9 đến 10 năm tù.
Trước vành móng ngựa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, nhiều bị cáo cho rằng mình phạm tội là do làm theo sự chỉ đạo của ông Lý Văn Chức chứ khồng hề cố tình làm trái quy định về cho vay tại ngân hàng.
Trong phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, các vị luật sư đồng ý tội danh mà VKS nêu ra cho thân chủ của mình. Nhưng các vị luật sư lại cho rằng, hành vi sai trái của thân chủ mình là làm theo lệnh của cấp trên. Bên cạnh đó, có những khoản tiền mà ông Lý Văn Chức đã ký trước đó và các bị cáo chỉ còn việc thông qua chứ không thể nào kiểm tra hay phản đối ý kiến chủ quan của… sếp.
Phản biện các ý kiến của luật sư, VSK cho rằng, có những hợp đồng chính các bị cáo được quyền kiểm tra nhưng các bị cáo lại cho thông qua một cách dễ dàng rồi ký duyệt cho giải ngân hàng chục tỉ đồng. Vì vậy, hành vi của các bị cáo là rất rõ ràng, không thể đổ lỗi, bao biện.
Hôm nay 17/6, phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử và tuyên án đối với các bị cáo.
Công Quang