Vụ kiện bán phá giá giày: đoàn EC đến Việt Nam

Đoàn chuyên gia của Tổng vụ Thương mại châu Âu (EC) vừa có 2 ngày làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam và đại diện các Bộ Thương mại, Công nghiệp về vụ kiện bán phá giá giày mũ da vào thị trường châu Âu.

Ông Markus Cornaro - Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn EC - nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong một vụ kiện bán phá giá, EC đã cử chuyên gia đến giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về cách trả lời thông tin của bên điều tra. Điều này thể hiện thiện chí của EC.

 

Ông Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) - cho biết: Trong những ngày qua, Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi thông tin và giới thiệu với các chuyên gia của EC về đặc thù của ngành da giày Việt Nam.

 

Trong 60 Cty mà phía Liên minh ngành sản xuất giày da châu Âu đưa ra trong đơn kiện, có 4 Cty chưa bao giờ xuất khẩu hàng vào châu Âu. Các Cty còn lại chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ có 2 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên chưa đại diện cho ngành sản xuất giày da của Việt Nam.

 

Mặt khác, nếu xét theo tiêu chí tốc độ tăng trưởng và mức độ giảm giá thì có thể khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá (trừ trường hợp EC lấy mức giá của Brazil để so sánh với các doanh nghiệp không được hưởng quy chế thị trường). Trong tương quan chung, Việt Nam chỉ có thể so sánh được với các nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia hoặc Thái Lan.

 

Đại diện của Tổng vụ Thương mại EC cũng lưu ý, để được công nhận hoạt động theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ, trả lời đầy đủ những thông tin do EC yêu cầu. Theo đại diện này, không chỉ những doanh nghiệp có tên trong đơn kiện, thông tin do những Cty sản xuất lớn của Việt Nam không có trong danh sách cũng sẽ tác động đến quyết định của EC.

 

Đại diện Tổng vụ Thương mại EC cho biết, sau khi trả lời các bản câu hỏi, EC sẽ lựa chọn từ 5 - 7 doanh nghiệp tiêu biểu để điều tra trực tiếp vào tháng 9 tới.

 

Theo TTXVN