Vụ Khaisilk: Tổng cục Hải quan "lệnh" siết chặt nguồn gốc xuất xứ
(Dân trí) - Sau sự cố Khaisilk cắt mác hàng hoá Trung Quốc thành hàng hoá Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục và Chi cục hải quan địa phương yêu cầu tăng cường việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc và nhãn hàng hoá.
Theo chỉ thị của Tổng cục Hải quan, các Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục chủ động chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các trường hợp có nghi vấn liên quan đến khai báo xuất xứ, các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa nếu không phù hợp thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O và thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa... Khi phát hiện có vi phạm về xuất xứ, nhãn hàng hóa, Cục Hải quan tỉnh, thành phố bảo có báo cáo kèm hồ sơ liên quan về Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan.
Đối với hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước, theo Khoản 2 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải chịu trách nhiệm ghi nhãn. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình.
Về ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan khẳng định: Tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định 43 quy định: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ đảm bảo ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất hàng hóa.
Nghị định trên cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”.
Trường hợp hàng hóa là sản phẩm gia công theo hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài thì nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa là một trong những điều khoản tối thiểu bắt buộc phải thể hiện trong hợp đồng gia công.
Tổng cục Hải quan khẳng định: Hiện vụ Khaisilk, Bộ Công Thương đã chuyển cơ quan điều tra là Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều tra, làm rõ về các quy định nhãn mác, xuất xứ hàng hoá. Về phía hải quan, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam để làm rõ các thông tin liên quan.
Một diễn biến liên quan, Cục Thuế Hà Nội vừa có thông báo về tình hình kê khai nộp thuế tại cửa hàng kinh doanh 113 Hàng Gai (nơi trực tiếp xảy ra sai phạm cắt mác "made in China" để thay thế mác "made in Vietnam".
Cục Thuế Hà Nội khẳng định, hộ kinh doanh đứng tên Nguyễn Thu Nga có doanh thu 9 tháng hơn 14 tỷ đồng, nộp thuế hơn 211,29 triệu đồng tiền thuế. Trong các năm 2015, 2016 doanh thu lần lượt là 15,6 tỷ đồng và 16,1 tỷ đồng.
Trước đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã điều tra nghĩa vụ thuế sau sự cố của Khaisilk đồng thời yêu cầu Cục Thuế Hà Nội báo cáo việc chấp hành nghĩa vụ thuế của tập đoàn Khaisilk và các cơ sở kinh doanh của công ty này tại Hà Nội.
Nguyễn Tuyền