TPHCM:
Vụ "đột kích", tạm giữ 559 lượng vàng: "Công an và UBND quận đều lạm quyền"
(Dân trí) - Cảnh sát kinh tế công an Bình Thạnh khẳng định không có chuyện “cài người”, “gài bẫy” tiệm vàng Hoàng Mai để bắt 100 đô, niêm phong cả triệu đô. Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư, không chỉ công an mà UBND quận cũng có dấu hiệu lạm quyền trong vụ này.
Ngày 28/4, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng Luật Giải phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) đã có cuộc trao đổi, phân tích tính pháp lý với PV Dân trí về việc công an quận Bình Thạnh “đột kích” tiệm vàng Hoàng Mai trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo luật sư Hưng, việc Trung tá Đặng Ngọc Vinh – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bình Thạnh khẳng định được Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ký quyết định khám xét nhà của tiệm vàng Hoàng Mai nhưng do sai sót trong việc đánh máy nên nhầm ngày là thiếu thuyết phục.
Căn cứ vào khoản 2 điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định”. Trong trường hợp này, hành vi mua bán ngoại tệ trái phép được công an quận Bình Thạnh xác định ban đầu là hành vi vi phạm hành chính, nên quyết định khám xét do chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ký là phù hợp.
Tuy nhiên, đặc trưng của chức năng, nhiệm vụ của cơ quan công an là đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự, việc công an quận Bình Thạnh phục kích nhiều ngày, như một chuyên án để với mục đích phát hiện và bắt quả tang hành vi vi phạm hành chính, khiến dư luận có nhiều ngờ vực!?
“Thủ tục, trình tự ký và ban hành Quyết định do chủ tịch UBND quận Bình Thạnh được kiểm soát rất chặt chẽ, theo tôi được biết là theo tiêu chuẩn ISO, nên nói có nhầm lẫn trong việc ghi sai ngày ký quyết định là khó thuyết phục”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.
Về thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì ở việc “đột kích” tiệm vàng Hoàng Mai cũng có nhiều vấn đề “khập khiễng”.
Theo luật sư Hưng, tuy Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được ban hành trước ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định khác thay thế, nên những nội dung của nghị định này vẫn còn hiệu lực áp dụng.
Căn cứ vào điều 37 sửa đổi, bổ sung thì thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép thuộc về Thanh tra viên ngân hàng, Chánh thanh tra ngân hàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh …
Căn cứ vào điểm b khoản 2 điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì chủ tịch UBND cấp huyện có quyền xử phạt không quá 50.000.000 đồng. Hành vi mua bán ngoại tệ trái phép theo quy định tại Nghị định 95 sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 – 100.000.000 đồng.
Như vậy, chiếu theo các quy định trên, trong vụ việc này, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh không có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi này.
“Cho dù lệnh khám xét chổ ở được ký đúng thẩm quyền, thì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này không thuộc về cơ quan công an và UBND cấp huyện. Nên, việc công an quận Bình Thạnh tổ chức theo dõi, phục kích nhiều ngày như một chuyên án lớn của đơn vị, chỉ để nhằm phát hiện và đấu tranh với một hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền của mình là chưa phù hợp”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.