1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm: Đại gia Chu Thị Bình đang chờ để lấy tiền lãi 93 tỷ đồng

(Dân trí) - Tại đại hội cổ đông, nữ đại gia Chu Thị Bình - người bị Ngân hàng Eximbank làm “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm cho biết, sau khi ngân hàng Eximbank hoàn trả 245 tỷ đồng tiền gốc thì bà đang tiếp tục chờ để lấy số tiền lãi gần 93 tỷ đồng.

Vụ “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm: Đại gia Chu Thị Bình đang chờ để lấy tiền lãi 93 tỷ đồng - 1
Vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình chủ trì Đại hội cổ đông bất thường của doanh nghiệp mình

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) vừa tổ chức thành công Đại hội cổ đông bất thường năm 2019. Chủ trì đại hội là ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc MPC; bà Chu Thị Bình, thành viên HĐQT – Phó Tổng giám đốc MPC và các thành viên khác.

Ông Quang cho biết, MPC dự định sẽ phát hành gần 76 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư nước ngoài và giá phát hành sẽ cao hơn thị trường. Sau thương vụ phát hành này, MPC sẽ đầu tư vào một nhà máy ở tình Cà Mau. Công ty Minh Phú muốn tìm được nhà đầu tư để thực hiện khát vọng đạt 25% thị phần tôm toàn cầu, tức mỗi năm phải tăng trưởng 25%.

Cũng theo ông Quang, tiêu chí đánh giá nhà đầu tư chiến lược của Minh Phú là tìm được những nhà đầu tư có tầm nhìn, cùng chung mục tiêu và không ràng buộc biên lợi nhuận với doanh nghiệp này. Một số nhà đầu tư cũng yêu cầu Minh Phú bảo mật thông tin nhà đầu tư chiến lược nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư này.

Trong đại hội cổ đông bất thường, MPC cũng đưa ra 3 phương án chia cổ tức để các cổ đông lựa chọn là 50%, 60% và 70% và tỉ lệ cổ tức được ấn định là 50% lợi nhuận. Nguồn thực hiện là lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tính đến ngày 31/12/2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2019.

Người đứng đầu MPC cũng cho rằng, năm 2018 là năm có tình hình kinh doanh rất khả quan do lợi nhuận từ việc nuôi tôm tăng trưởng tốt.

“Trong năm 2018, giá tôm thành phẩm thấp kỷ lục kể từ trước đến nay, giá nguyên liệu trong nước cũng cao hơn các nước khác nên sự cạnh tranh nguyên liệu không còn gay gắt. Chính vì vậy mà nguyên liệu đầu vào thấp hơn, người nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới có lợi nhuận cao hơn, lên đến 50%. Năng suất nuôi tôm khi ứng dụng công nghệ mới cao gấp 10 lần so với trước đây”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, chính vì giá nguyên liệu nuôi tôm thấp nên năm 2019 hứa hẹn sẽ là năm đạt lợi nhuận cao hơn. MPC cũng đang làm thủ tục chuyển sàn lên niêm yết tại HOSE và chờ báo cáo của kiểm toán để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trong phần thảo luận, các cổ đông cũng rất quan tâm đến tình hình nợ hiện nay của MPC. Đại diện HĐQT MPC cho biết, nợ ngân hàng của Công ty Minh Phú không phải là cao khi doanh thu từ việc kinh doanh lên tới khoảng 24.000 tỷ đồng. Trong khi số nợ ngân hàng chỉ khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. MPC đang quyết tâm phát hành cổ phiếu nhằm bổ sung vốn lưu động nhằm giảm nợ và nếu phát hành cổ phiếu thành công thì doanh nghiệp sẽ hết nợ ngân hàng.

“Các nhà đầu tư đề nghị chúng tôi chia 50% cổ tức và các năm sau là chia 70% cổ tức. Chúng tôi thấy đây là mức phù hợp, khi công ty kinh doanh hiệu quả thì chúng tôi cũng muốn chia cổ tức cao cho cổ đông”, ông Quang chia sẻ.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT MPC cũng nhận định, thị trường xuất khẩu tôm của Minh Phú sang Mỹ, Châu Âu đều đang thuận lợi và năm 2019 sẽ “đánh mạnh” vào thị trường Trung Quốc vì chất lượng tôm nhập vào Trung Quốc ngày càng được kiểm soát tốt hơn. Đây chính là cơ hội cho Minh Phú.

Tuy nhiên, việc phát triển thêm thị phần tại các thị trường cũ và phát triển thị trường mới nhưng vẫn đạt lợi nhuận cao sẽ là “bài toán” khó mà MPC phải giải trong thời gian tới.

Đối với kế hoạch kinh doanh 2019, Minh Phú đặt mục tiêu sản lượng xuất khẩu là 77.400 tấn, kim ngạch là 850 triệu USD và lợi nhuận trước thuế là 2.000 tỷ đồng.

Vụ “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm: Đại gia Chu Thị Bình đang chờ để lấy tiền lãi 93 tỷ đồng - 2
Các cổ đông nêu ý kiến và chất vấn HĐQT tại đại hội

Trao đổi bên lề với Dân trí, bà Chu Thị Bình, người bị Ngân hàng Eximbank làm “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm cho biết, sau khi ngân hàng Eximbank hoàn trả 245 tỷ đồng tiền gốc thì bà đang tiếp tục chờ để lấy số tiền lãi gần 93 tỷ đồng.

“Lúc đầu, tôi muốn lấy 103 tỷ đồng tiền lãi nhưng đến khi thương thảo thì hai bên đồng ý mức 92,9 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay tôi vẫn chưa lấy được số tiền lãi này”, bà Bình nói.

Đại Việt

Vụ “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm: Đại gia Chu Thị Bình đang chờ để lấy tiền lãi 93 tỷ đồng - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm