Vụ "1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô": Kịch bản lừa đảo thời suy thoái

Nguyên lý “M&A” của những sáng lập viên Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa gồm 3 điểm, mà thứ nhất là “Lấy mỡ nó rán nó” hay dùng súng địch, đánh địch.

Thứ hai: Tìm mọi cách cột chặt các đối tác vào Trường Sa, khiến bên A không những không thể  thoát ra được mà còn phải “cày” để nuôi những người thích… lừa. Thứ ba: Không quan tâm đến những gì mua được mà chỉ nhắm tới những giá trị lấy được.
Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Kịch bản lừa đảo thời suy thoái
Bộ sậu của Cty Trường Sa: Nguyễn Hà Quảng (bìa trái), Ngô Quốc Hùng (áo vest đen), Trần Thị Kim Dung (thứ 2 bên phải) và Trần Thị Thu Hiền (bìa phải).

Ngọt ngào tìm… điểm yếu

Năm 2011, sau khi chứng kiến nhiều công ty ở Mỹ rơi vào thảm kịch suy thoái do thị trường đóng băng, sản xuất đình trệ, người lao động mất việc làm, Việt kiều Nguyễn Hà Quảng nhận thấy ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và “bão” lạm phát trong nước đã và đang đẩy hàng loạt DN vừa và nhỏ của Việt Nam vào hoàn cảnh bế tắc do mất khả năng thanh khoản trong khi lãi suất ngân hàng gia tăng, tài sản bốc hơi hằng ngày và các chủ nợ liên tục thúc ép từ nhiều phía...

Hiểu rõ tâm lý hoang mang của chủ DN, nhất là các công ty gia đình, do không chịu nổi áp lực về tài chính, nhưng không dám bán DN vì sợ mất mặt, Nguyễn Hà Quảng đã quyết định thành lập cái-gọi-là Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa (viết tắt là Cty Trường Sa), đồng thời lợi dụng quan hệ cá nhân với một số người có uy tín để tiếp cận với những công ty gia đình có lợi thế về đất đai, nhà xưởng, tài sản hiện hữu nhưng “ngập đầu” trong nợ, nhằm ký kết hợp đồng tư vấn tài chính tái cấu trúc DN (M&A).

Được TGĐ Cty CP thép Sao Biển Lê Mạnh Hoàn giới thiệu với một vài cổ đông lớn của Cty KD kim khí Hải Phòng (Cty KDKK), Nguyễn Hà Quảng ngọt ngào “lên lớp” rằng nguyên lý “M&A” của nước Mỹ sẽ là cứu cánh đối với các DN vừa và nhỏ của Việt Nam nếu nhanh chóng được áp dụng tại thời điểm này. Và, rất nhanh chóng, “nhân vật số 1” của Cty Trường Sa đã thuyết phục được đối tác ký kết “hợp đồng tư vấn và hợp tác”. Ngày 15.7.2011, bên A (Cty KDKK Hải Phòng) do TGĐ Phạm Văn Thưởng  đại diện và bên B (Cty Trường Sa) do TGĐ Ngô Quốc Hùng đại diện thống nhất ký hợp đồng tư vấn và hợp tác với tổng giá trị 350.000USD, thời gian thực hiện 18 tháng (hợp đồng số 05/2011/HĐDV-TV-TS).

Theo đó, bên A thuê bên B “đề xuất giải pháp tái cấu trúc và phát triển theo tiêu chí tối đa hóa giá trị gia tăng và tính thanh khoản cho các tài sản; tư vấn quản lý tài chính DN, sắp xếp lại tài sản, cơ cấu vốn; đánh giá thực trạng DN và giải pháp vượt qua khủng hoảng...”.

Thực tế, bản hợp đồng gồm 11 điều với hơn 50 khoản, có rất nhiều chi tiết mơ hồ, bất lợi cho Cty KDKK Hải Phòng đã không được Cty Trường Sa quan tâm triển khai. Bởi lẽ, mục đích duy nhất của bên B là kiểm soát thông tin tài chính của DN nhằm tìm ra những điểm bất hợp lý trong quá trình thu, chi, quyết toán, báo cáo thuế, vay vốn và đảo nợ... nhằm bóc, tách mọi điểm yếu của bên A để tập hợp thành “hồ sơ chết”.

“Kịch bản” này cũng đã được Nguyễn Hà Quảng cùng các sáng lập viên của Cty Trường Sa “dàn dựng” và “biểu diễn” rất thành công tại Nhà máy ximăng Thanh Liêm (Hà Nam), Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec và nhóm 11 công ty của gia đình “đại gia” sắt thép đất cảng Hải Phòng.

Hù dọa và ép buộc đối tác

Theo điều tra của PV Báo Lao Động, Nguyễn Hà Quảng thường xuyên chỉ đạo nhóm cộng sự tích cực hối thúc các đối tác phải chuyển tiền thanh toán dịch vụ tư vấn tái cấu trúc DN theo hợp đồng đã ký, mặt khác khai thác những thông tin bất lợi từ “hồ sơ chết” để hù doạ, ép buộc các đối tác phải bán chịu cổ phần cho phía Trường Sa với giá hết sức rẻ mạt!

Tại Cty KDKK Hải Phòng, chỉ 3 tuần sau khi ký hợp đồng tư vấn và hợp tác, bên B gửi văn bản nhận định tình hình hết sức khó khăn, DN mất khả năng thanh khoản, giá trị cổ phiếu xuống thấp; để cứu vãn tình hình, bên B yêu cầu ban lãnh đạo Cty KDKK phải nhượng lại ít nhất 51% vốn điều lệ cho các sáng lập viên của Trường Sa để họ có đủ tư cách đại diện trước pháp luật, đứng ra thu xếp...nợ.

Vì sợ lộ bí mật DN và quá nôn nóng muốn thay đổi, ngày 1.3.2012, đại diện Công ty KD kim khí Hải Phòng gồm 9 cổ đông lớn đã “xuống tay” ký hợp đồng chuyển nhượng cho đối tác phía Cty Trường Sa toàn bộ 2.277.529 cổ phần (chiếm 97,5% vốn điều lệ công ty) với tổng giá trị tính thành tiền 16.376.313.000 đồng.

Vẫn bằng cách ấy, nhóm “tư vấn” của Nguyễn Hà Quảng đã nhanh chóng thôn tính được Nhà máy ximăng Thanh Liêm cùng toàn thể công ty “mẹ” và “con” nhà Thái Sơn. Xin nói thêm, trong quá trình khảo sát thực thế tại nhóm công ty gia đình của ông Phạm Văn Thụ, phía Trường Sa không chỉ tập hợp được “hồ sơ chết” của bên A, mà còn phân tích đầy đủ những điểm yếu của các chủ nợ lớn, gồm 12 chi nhánh ngân hàng, 1 công ty cho thuê tài chính và 7 DN thường xuyên “làm ăn” với Cty Thái Sơn.

Dựa vào những chứng cứ gian lận của đối tác, Nguyễn Hà Quảng đã dễ dàng đạt mục tiêu “cột  các bên vào Trường Sa mà chúng không có cách gì thoát ra được”! Không còn cách nào khác, ngày 4.4.2012, ông Phạm Văn Thụ đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho Nguyễn Hà Quảng toàn bộ vốn góp tại Cty Thái Sơn là 512.100.000.000 đồng, kèm theo cam kết “tạo điều kiện thuận lợi để bên B hoàn thành thủ tục nhận chuyển nhượng và tham gia hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật”.

Tháo chạy

Câu chuyện tiếp theo sau khi các đối tác đã hoàn tất việc chứng thực chuyển nhượng CP và bàn giao toàn bộ tài sản cùng quyền điều hành DN cho phía Cty Trường Sa, “những người thích... lừa” không chỉ phớt lờ nghĩa vụ trả nợ mà còn ung dung bổ nhiệm ban lãnh đạo mới để “có đủ thẩm quyền”  sa thải hàng trăm công nhân lao động, đồng thời hợp thức hóa khối tài sản mà mình vừa chiếm hữu.

Theo phản ánh của tập thể người lao động tại Cty KDKK Hải Phòng, hơn 1 năm qua, phía Trường Sa bỏ mặc DN chết dần, chết mòn; riêng số tiền thiệt hại phát sinh mà DN phải chịu lãi ngân hàng lên đến hơn 20 tỉ đồng. Theo bà Lê Thị Hằng - 1 trong 9 cổ đông lớn đã bán chịu cổ phần cho phía Trường Sa - sau cuộc họp vào chiều 2.10.2012 nhằm giải quyết yêu cầu thanh toán tiền mua cổ phần cho các cổ đông, ông Ngô Quốc Hùng với tư cách TGĐ Cty Trường Sa và Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Cty KDKK Hải Phòng đã thay sim máy điện thoại và gửi e.mail cho hội đồng quản trị thông báo ông Nguyễn Hà Quảng thay thế đại diện quản lý vốn góp của Cty Trường Sa  tại Cty KDKK Hải Phòng.

Có một sự thật là diễn biến tình hình nội bộ trong tất cả các DN từng bị “cột” vào Trường Sa đã và đang ngày càng xấu hơn, các ngân hàng rất khó đòi nợ cũ từ phía Trường Sa. Khi bài báo này lên khuôn, “ông trùm” Hà Quảng đã gửi thông điệp đến nhóm cộng sự, rằng, bỏ của chạy lấy người!
Theo Bảo Chân - Hoàng Hoan
Lao động