1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vốn ngoại "bí" đầu ra

Sáu tháng đầu năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã mua 9 tỷ USD vào dự trữ. Nhưng mua rồi thì phải làm thế nào để bên mua và bên bán đều được lợi thì các nhà quản lý vĩ mô vẫn đang tìm lời giải.

Tại một cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố, trong 6 tháng đầu 2007, Ngân hàng Nhà nước mua vào dự trữ 9 tỷ USD, tương đương với 144.000 tỷ VND thay vì con số 7 tỷ USD (tương đương 112.000 tỷ VND) như nhiều người vẫn nói.

Tuy nhiên, con số này chưa dừng ở đây, bởi một số chuyên gia dự báo rằng, những tháng cuối 2007, một lượng ngoại tệ khoảng 3 - 4 tỷ USD tiếp tục chảy vào Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước không còn cách nào khác là tiếp tục mua vào.

Mua USD để hỗ trợ tăng trưởng?

Vì sao Ngân hàng Nhà nước phải mua USD? TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích: "Phải mua vì trên thị trường quá nhiều USD từ các nguồn đầu tư gián tiếp (FII) và kiều hối. Mặt khác, do quy định của Ngân hàng Nhà nước không cho phép đầu tư FII bằng USD nên các Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua USD và chuyển VND cho họ".

Cũng theo ông Ánh, một nguyên nhân khác cực kỳ quan trọng là tính đến nay, thâm hụt thương mại bị "âm" 9 tỷ USD nên phải có một khoản tương đương để bù vào đó.

Đồng nhất với TS Ánh, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) lý giải: "Về nguyên tắc, khi đồng USD yếu đi thì VND tăng giá và xuất khẩu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, giá cả trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh quốc tế.

Trong trường hợp như vậy, Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng thực thi chính sách tiền tệ "VND tương đối yếu một tí", có nghĩa là tỷ giá danh nghĩa phải cao hơn tỷ giá thực một chút nhằm thực hiện chiến lược hỗ trợ xuất khẩu".

Quan điểm này là hoàn toàn thực tế, bởi theo thống kê đến tháng 9/2007, kim ngạch xuất khẩu lên tới 39 tỷ USD, bình quân mỗi tháng đạt 4,3 tỷ USD, cộng dồn cả năm khoảng 51,6 tỷ USD.

Với quy mô GDP năm 2006 là 65 tỷ USD, giả định rằng tốc độ tăng trưởng năm nay là 10% thì GDP 2007 sẽ ước 72 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 71,6% GDP.

Một nền kinh tế mà xuất khẩu chiếm tới 71% GDP thì không có lý do gì không theo đuổi chiến lược hỗ trợ xuất khẩu.

Càng IPO, càng lạm phát?

Theo các chuyên gia, trong số 9 tỷ USD mà Ngân hàng Nhà nước mua vào thì có tới 6 tỷ là từ đầu tư FII. Dòng vốn này từ các quỹ, nhà đầu tư nước ngoài chảy vào để đợi Chính phủ IPO những "đại gia" như Vietcombank, Incombank hay Tập đoàn Dầu khí... Và chúng sẽ tiếp tục chảy vào khoảng 3 - 4 tỷ USD trong những tháng còn lại của năm 2007.

Theo TS Vũ Đình Ánh, "phần lớn số VND đưa ra sau khi trao đổi USD từ dòng vốn FII là không vào lưu thông mà nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi những doanh nghiệp "ngon" đã hết room và chủ trương của Chính phủ là không mở room quá 30% nên họ đã hết nguồn để mua và đành găm số tiền trên vào tài khoản ngân hàng thương mại, chờ những đợt IPO doanh nghiệp lớn".

Giả định rằng, số tiền 96.000 tỷ VND (tương đương 6 tỷ USD) mà các nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua bán với Ngân hàng Nhà nước nhưng lại đem cất vào các ngân hàng thương mại thì điều gì sẽ xảy ra?

Thứ nhất, số tiền này sẽ chưa tác động lên chỉ số CPI vì chúng chưa đi vào lưu thông. Thứ hai, trong trường hợp Chính phủ tiếp tục IPO những doanh nghiệp lớn hoặc mở "room" những doanh nghiệp "ngon" đã IPO thì ngay lập tức, dòng vốn này sẽ tác động lên CPI và gây lạm phát.

"Cách tốt nhất là mặc kệ, dừng IPO", TS Vũ Đình Ánh kết luận. Tuy nhiên, nếu "mặc kệ" thì tiến trình cổ phần hóa, nhất là cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục bị trì hoãn, và đây là điều không hề được mong đợi.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét: "Từ đầu năm đến nay, dòng vốn FII và kiều hối chảy vào Việt Nam và đó là vận đỏ của nền kinh tế. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý lại chưa chuẩn bị tốt để... đón nhận vận đỏ này".

Giải pháp trước mắt đối phó với tình huống này, theo một chuyên gia, là các doanh nghiệp chỉ nên thực hiện thu hút vốn khi thực sự cần vốn và có phương án sử dụng vốn có hiệu quả. Tránh tình trạng nương dựa vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu không tính toán thận trọng để thu về một lượng thặng dư lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ nhưng sử dụng không hiệu quả.

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm