Vốn ngân hàng sẽ “gánh” thêm nhiều phụ phí

(Dân trí) - “Công cụ hành chính có thể có tác dụng nhất định nhưng đồng thời nó cũng đã làm méo mó thị trường, tai hại hơn là nó tạo ra những phụ phí ngầm ngay trong hệ thống ngân hàng ở cả trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng”.

Vốn ngân hàng sẽ “gánh” thêm nhiều phụ phí - 1
Giữ ổn định thị trường tiền tệ luôn là bài toán khó (ảnh: Quý Đoàn).
 
TS. Lê Xuân Nghĩa, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Dân trí về chính sách tiền tệ của Việt Nam 2010.
 
Ông nhận định thế nào về những thay đổi chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua?
 
Đợt điều chỉnh tỷ giá hối đoái gần đây (tăng tỷ giá chính thức khoảng 5,5% và giảm biên độ tỷ giá 3%) chủ yếu nhằm giảm căng thẳng thanh khoản thị trường hối đoái vốn được coi là một phản ứng phụ của chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng VND.
 
Phản ứng phụ này chủ yếu là do tài trợ lãi suất tín dụng VND mà không tài trợ tương tự đối với tín dụng bằng ngoại tệ, khiến cho chênh lệch hai loại lãi suất này quá gần nhau, bất lợi cho tín dụng ngoại tệ.
 
Kết quả là một khối lượng lớn ngoại tệ bị đẩy ra khỏi lưu thông trở thành tài sản cất trữ găm giữ chờ tăng tỷ giá hối đoái trong khi cơ chế tỷ giá hối đoái lại thiếu linh hoạt, khiến cho sức ép tâm lý ngày càng lớn.
 
Đây là nguyên nhân trực tiếp ngắn hạn, chứ không phải là do nhập siêu, do thâm hụt cán cân thanh toán thường là nguyên nhân dài hạn. Còn việc điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên 1% là nhằm hạn chế việc tiếp tục giảm giá đồng VND. Nó có tác dụng hỗ trợ tỷ giá hối đoái mới điều chỉnh có thể ổn định trở lại.
 
Trên thực tế thời gian qua, tính thanh khoản trên thị trường hối đoái đã được cải thiện, chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do thu hẹp đáng kể. Đặc biệt là việc mua bán ngoại tệ không còn phải thêm các phụ phí phi lý như trước đây.
 
Tất nhiên, hiệu ứng phụ của chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng VND trong năm 2010 sẽ giảm đáng kể do không còn hỗ trợ tín dụng ngắn hạn nhưng vẫn còn hỗ trợ tín dụng đầu tư trung dài hạn và cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, chính sách tỷ giá hối đoái và lãi suất cần kiên trì nguyên tắc linh hoạt theo thị trường để dần ổn định.
 
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất cơ bản lên 8%, có nghĩa các ngân hàng thương mại được phép huy động mức 12%/năm. Nhưng trên thực tế, Ngân hàng nhà nước lại “thổi còi” với những ngân hàng thương mại huy động vượt quá 10,5%/năm. Ông nghĩ sao về điều này?
 
Vốn ngân hàng sẽ “gánh” thêm nhiều phụ phí - 2

TS. Lê Xuân Nghĩa.

NHNN Nhà nước đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Lẽ ra chính sách thắt chặt hoặc nới lỏng tiền tệ có thể thực hiện bằng công cụ lãi suất, thắt chặt nghĩa là phải tăng lãi suất.
 
Tuy nhiên, do Việt Nam đang trong quá trình kích thích kinh tế, tăng lãi suất sẽ khó được dư luận ủng hộ. Vì vậy, NHNN buộc phải sử dụng các công cụ hành chính để kiểm soát tăng trưởng tín dụng như khống chế hạn mức và kiểm soát lãi suất huy động, kể cả trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng.
 
Công cụ hành chính có thể có tác dụng nhất định nhưng đồng thời nó cũng đã làm méo mó thị trường, tai hại hơn là nó tạo ra những phụ phí ngầm ngay trong hệ thống ngân hàng ở cả trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng.
 
Điều này có thể tạo ra thông lệ xấu và làm suy giảm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng. Khắc phục rủi ro đạo đức còn phức tạp hơn nhiều so với rủi ro thị trường.
 
Như chúng ta đã thấy cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ chứng tỏ cả một hệ thống thanh tra giám sát nghiêm minh, minh bạch đều bất lực trước loại rủi ro này (lợi nhuận, tiền thưởng…).
 
Năm 2010, liệu kênh huy động vốn có hấp dẫn các nhà đầu tư không thưa ông?
 
Chính sách tiền tệ trong năm 2010 đã được NHNN công bố là “điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động linh hoạt và thận trọng” phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà phục hồi kinh tế theo nguyên tắc thị trường.
 
Như vậy, chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sách này cho phép các ngân hàng thương mại hoạt động dễ dàng hơn theo tín hiệu kinh tế vĩ mô và cung cầu thị trường tiền tệ trên cả hai lĩnh vực huy động vốn và cho vay.
 
Về nguyên tắc, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức chấp nhận được, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế hợp lý sẽ củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
 
Nói cách khác, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn. Tất nhiên, thị trường tài chính và vấn đề huy động vốn còn phụ thuộc vào các kênh đầu tư khác như mở rộng sản xuất, kinh doanh, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… trong khi tổng khối lượng tiết kiệm nội địa là hữu hạn.
 
Vì vậy, khó có thể tránh khỏi sự cạnh tranh về huy động vốn giữa các khu vực của thị trường. Tuy nhiên, cung cầu về vốn trên thị trường còn phụ thuộc vào mức độ phục hồi kinh tế và về nguyên tắc nó sẽ cân bằng ở một mức lãi suất nhất định phù hợp với mức độ rủi ro.
 
Do đó, vấn đề không phải là lãi suất nào hấp dẫn hơn mà là lãi suất nào thì rủi ro ấy, tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà đầu tư. Về cơ bản, chính sách tiền tệ cũng có một mục tiêu phái sinh là ổn định mặt bằng lãi suất để yên lòng các nhà đầu tư càng dài hạn càng tốt.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương - An Hạ (thực hiện)