"Vỡ mộng" ô tô giá rẻ từ Hàn Quốc

(Dân trí) - Trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc mới được kí kết, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế với dòng xe tải trên 10 tấn đến dưới 20 tấn và ô tô con có dung tích trên 3.000cc. Tuy nhiên, 2 dòng xe này hiện trong nước có nhu cầu rất ít.

Vỡ mộng ô tô giá rẻ từ Hàn Quốc
Hàn Quốc hiện là nước sản xuất ô tô lớn thứ 5 trên thế giới và luôn nằm trong top các nước xuất khẩu nhiều xe ô tô nhất vào Việt Nam.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Hàn Quốc hiện là nước sản xuất ô tô lớn thứ 5 trên thế giới và luôn nằm trong top các nước xuất khẩu nhiều xe ô tô nhất vào Việt Nam. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 7.740 chiếc ô tô nguyên chiếc từ Hàn Quốc, tăng 48% so với cùng kỳ. Trước đó, trong năm 2014 Việt Nam nhập trên 6.000 xe ô tô nguyên chiếc từ Hàn, tăng 63% so với năm trước đó.

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được kí kết, nhiều ý kiến cho rằng dân Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội sở hữu một chiếc xe ô tô giá rẻ từ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các hãng xe Hàn lắp ráp trong nước cũng sẽ giảm xuống nhờ thuế nhập khẩu linh kiện giảm xuống theo Hiệp định được kí kết. Tuy nhiên, giấc mơ đó có vẻ còn rất xa vời.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình đối với linh kiện, phụ tùng theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc sẽ từng bước góp phần giảm giá thành ô tô Hàn Quốc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Còn trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc mới được ký kết, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế quan với dòng xe tải trên 10 tấn đến không quá 20 tấn và ô tô con có dung tích xi lanh trên 3.000cc với lộ trình 10 năm (không cam kết mở cửa đối với một số mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Hàn Quốc như ô tô nguyên chiếc).

"Nguyên nhân là do sự tác động đến thị trường trong nước của 2 dòng xe này không nhiều vì xe ô tô trên 3.000cc là xe hạng sang có dung tích xi lanh lớn, nhu cầu trong nước hiện nay ít; xe tải trọng tải lớn hiện nay sản xuất trong nước cũng chưa nhiều”, Bộ Tài chính cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc cắt giảm thuế phụ tùng, linh kiện ô tô sẽ từng bước góp phần giảm giá thành ô tô Hàn Quốc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là theo cam kết, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ được mở cửa theo lộ trình dài từ 10 năm đến 15 năm và được cắt giảm dần, mỗi năm khoảng 2%.

"Thành công đáng nói của FTA này là Việt Nam tiếp tục duy trì bảo lưu đối với một số mặt hàng nhạy cảm mà Hàn Quốc có thế mạnh xuất khẩu nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước như ô tô nguyên chiếc, sắt thép, sản phẩm nhựa... Nếu trong Hiệp định đã ký với ASEAN, Việt Nam phải cam kết mở cửa hoàn toàn đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, sắt thép... thì khi ký với Hàn Quốc, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế quan với xe tải trên 10 tấn đến không quá 20 tấn và ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000cc”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo cơ quan này, với việc duy trì thuế suất cao đối với ô tô nguyên chiếc và xóa bỏ theo lộ trình hợp lý đối với nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện thì, tác động của các cam kết cắt giảm thuế quan với Hàn Quốc đến ngành sản xuất ô tô trong nước là tích cực. Lộ trình này sẽ tạo cơ hội để các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước dần dần tự điều chỉnh, tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh theo mức độ giảm dần của thuế suất. Điều này sẽ có tác động tích cực, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; khi cầu trong nước gia tăng sẽ dần dần thu hút các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện của Hàn Quốc đến Việt Nam để đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”