"Vỡ mộng" nguồn điện vô tận: Bỏ gần 100 triệu đồng, một năm thu 9 triệu đồng

Lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công suất 6 kW hết 93 triệu đồng. Gần 1 năm sau, điện lực thanh toán tổng giá trị điện sản xuất là 9 triệu đồng.

Không như kỳ vọng

Sở hữu một trang trại trồng chuối rộng gần 20 ha ở Gia Lai, mới đây ông B.M.H. nảy ra ý tưởng làm điện mặt trời mái nhà, tận dụng mái của nhà ủ phân. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, ông H. phải thốt lên: "Tôi muốn đầu tư mà khó quá. Việc áp dụng các quy định giữa trung ương và địa phương không đồng nhất".

Ông H. kể: "Được biết Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, do vậy gia đình tôi quyết định lập dự án 'Trang trại trồng chuối xuất khẩu và ủ phân hữu cơ' trên diện tích 2,4ha với mục đích mở rộng thêm nhà ủ phân và tận dụng mái nhà ủ phân để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời".

Khi triển khai thực hiện dự án, cần xây dựng thêm nhà ủ phân theo kế hoạch phát triển trong năm 2020 thì ông H thấy một loạt vấn đề về thủ tục. Đối với những mái nhà đã có trong trang trại thì có thể sử dụng đấu nối, với những mái nhà làm thêm thì phải giải trình với cơ quan điện lực địa phương các vấn đề, như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của UBND huyện; đất phải được chuyển sang loại đất nông nghiệp khác (trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm).

Vỡ mộng nguồn điện vô tận: Bỏ gần 100 triệu đồng, một năm thu 9 triệu đồng - 1

Điện mặt trời trên mái nhà dù phát triển mạnh 1-2 năm gần đây song vẫn còn khá khiêm tốn.

“Nhưng khi làm thủ tục chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác thì không thể đăng ký biến động được với lý do hết kế hoạch sử dụng đất. Trong khi đó, theo những thông tin chúng tôi tìm hiểu, việc chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác không phải xin phép mà chỉ cần đăng ký chỉnh lý khi có yêu cầu”, ông H chia sẻ vì vướng mắc này nên việc làm điện mặt trời áp mái của ông có thể bị đổ bể.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vướng mắc khi người dân làm điện mặt trời áp mái.

Tại hội thảo Phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam, do Green ID tổ chức ngày 25/8, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, kể lại câu chuyện của chính gia đình ông liên quan chi phí và số tiền thu được khi lắp điện mặt trời trên mái nhà.

Ông Khang cho biết: "Tháng 7/2019 tôi có lắp một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công suất 6 kW, kinh phí khoảng 93 triệu đồng. Toàn bộ điện sản xuất ra tôi sẽ bán cho điện lực Tiền Giang, còn điện sinh hoạt gia đình vẫn mua của phía điện lực. Gần 1 năm sau, điện lực Tiền Giang thanh toán cho tôi làm 2 lần với tổng giá trị điện sản xuất là 9 triệu đồng. Tính ra, giá điện thực tế tôi bán cho điện lực là 1,9 triệu đồng 1kW. Trong khi đó, tôi vẫn sử dụng điện lưới của điện lực.

Đối với dự án điện mặt trời mặt đất, giá bán là 1.644 VNĐ/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh.

Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, giá bán là 1.943 VNĐ/kWh, tương đương 8,38 UScent/kWh.

Do đó, ngay bản thân tôi cũng thấy rằng giá bán điện mặt trời mái nhà chưa kích thích được người dân sử dụng”, ông Khang đúc rút và kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân phát triển loại năng lượng này.

Dân chưa mặn mà

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cập nhật đến ngày 23/8 toàn quốc có tổng 45.299 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MWp.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh (EVN) chia sẻ, thời gian qua điện mặt trời mái nhà đã tạo ra nhiều lượng điện năng phát lên lưới. EVN đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào, đảm bảo cung - cầu năng lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền, quảng bá về phát triển điện áp mái còn hạn chế; nhiều khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị. Đồng thời, chi phí thiết bị và lắp đặt còn cao, chưa có chính sách khuyến khích khách hàng là các hộ gia đình đầu tư, lắp đặt; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện áp mái.

Để đẩy mạnh các dự án điện mặt trời áp mái, ông Trần Viết Nguyên kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, cơ chế, gói hỗ trợ giảm thiểu chi phí lắp đặt, vận hành,... từ đó mới có khả năng nhân rộng điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là đối với đối tượng các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Đặc biệt, ông Nguyên đánh giá, sau cơ chế giá điện cố định theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ (giá FIT 2) đến năm 2021 cần có cơ chế chính sách mới.

“Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách gối đầu tiếp phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Để đạt được kỳ vọng đến năm 2035, Việt Nam đạt 30.000 MWp công suất điện mặt trời mái nhà thì câu chuyện chính sách hết sức quan trọng”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn về điện mặt trời mái nhà.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà, lại bày tỏ lo ngại hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời kém chất lượng.

“Tiêu chuẩn pin năng lượng mặt trời đang chờ Bộ Khoa học và Công nghệ ra tiêu chuẩn chính thức. Chúng tôi được biết có những sản phẩm pin năng lượng mặt trời bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam làm ra các tấm pin chỉ đạt loại B, loại C và xuất sang Trung Quốc nhưng biết đâu các mặt hàng đó lại quay về Việt Nam?”, ông Tân nói.

Chính vì vậy, ông Tân cho rằng, nếu các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh về giá thì dứt khoát sẽ có việc bán hàng kém chất lượng, 5-7 năm sau vấn đề xử lý các tấm pin hỏng sẽ rất nan giải.