Vô địch giá rẻ, ôtô Trung Quốc thắng lớn tại Việt Nam
Thuế suất thuế nhập khẩu xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc nguyên chiếc từ Trung Quốc về Việt Nam ở mức 0% khiến xe tải Trung Quốc vốn nổi tiếng vì giá rẻ, nay càng rẻ.
Vô địch giá rẻ
Dọc quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, xe đầu kéo của Trung Quốc bày bán nhan nhản. Xe cũ cũng nhiều vô kể.
Giá một chiếc xe đầu kéo mới của Trung Quốc đang bán tại khu vực đường 5 thuộc quận Long Biên (Hà Nội) hiện chỉ hơn 1 tỷ đồng, bằng 2/3 giá các loại xe Hàn Quốc, Thái Lan,... cùng loại.
Xe cũ giá còn rẻ hơn. Xe đầu kéo thương hiệu Howo, Foton,... giá chỉ 800 triệu đồng, mua loại nào là phụ thuộc vào túi tiền của khách hàng. Tuy nhiên, với xe cũ thì gầm xe và trục kéo không phù hợp với đường xá tại Việt Nam nên gây ra nhiều trục trặc, khó khắc phục, những xe này rất nhanh hỏng - anh Nguyễn Văn Hiếu, trưởng phòng kỹ thuật một doanh nghiệp vận tải ô tô tại Sài Đồng (Long Biên) đang chọn xe cho biết.
Mặc dù không còn nhộn nhịp như năm 2015 nhưng các cửa hàng bán xe trên quốc lộ 5 vẫn khá đông khách, chủ yếu là tìm mua xe. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang đầu tư mua xe đầu kéo gắn với sơ mi rơ moóc, để tăng sức chở đến 40 tấn, thay cho loại xe tải thông thường chỉ chở 11-14 tấn không có hiệu quả về kinh tế.
Theo các doanh nghiệp, vận tải đường bộ chiếm gần 80% tổng khối lượng hàng hóa cả nước, với hàng trăm triệu tấn mỗi năm. Với các đơn hàng lớn, lưu thông trên những trục đường dài, thì xe tải nặng và xe đầu kéo sơ mi rơ moóc là phương án đem lại hiệu quả nhất.
Tăng trưởng phân khúc xe tải nặng và xe đầu kéo vài năm nay đều ở mức 3 con số. Năm 2015, tổng số xe đầu kéo nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 20.000 chiếc, trong đó xe đã qua sử dụng khoảng 12.000 chiếc, phân lớn là xe Trung Quốc.
Trong khi đó, xe tải do doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp gần như không có, hoặc có nhưng giá cao hơn xe Trung Quốc khoảng 15% mà cũng toàn linh kiện Trung Quốc, vì vậy ít được ưa chuộng.
Đáng lo ngại nhất là xe đầu kéo đã qua sử dụng, thời gian qua được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Thuế thấp, giá rẻ không chỉ gây khó khăn cho sản xuất trong nước mà còn mang đến nguy cơ về chất lượng, gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, trong khi Việt Nam vẫn chưa có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để kiểm soát.
Xe trong nước lao đao
Thị trường xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc được cho là rất tiềm năng bởi kinh tế đang phát triển, nhu cầu vận tải hàng hóa tăng mạnh và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng, hiện đại hóa. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang đầu tư đẩy mạnh sản xuất lắp ráp loại xe này. Đặc biệt là xe sơ mi rơ moóc có cấu tạo đơn giản, trong nước có thể sản xuất, lắp ráp được trên 70%. Hiện một số DN trong nước đã đầu tư lớn để sản xuất, lắp ráp, song lại khốn đốn vì mức thuế nhập khẩu bộ linh kiện vẫn giữ mức 7,5%.
Chính vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí (VAMI) mới đây đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo VAMI, hiện thuế suất thuế nhập khẩu với xe đầu kéo nguyên chiếc mới và đã qua sử dụng ưu đãi với các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là 5% và với Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là 0%, còn sơ mi rơ moóc với WTO là 20% và với ACFTA là 0%. Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện CKD của xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc hiện là 7,5%.
Ngoài ra, với xe đầu kéo, khi các DN trong nước nhập khẩu bộ linh kiện về lắp ráp còn phải chịu thêm nhiều chi phí khác, như chi phí thử nghiệm động cơ, chi phí khấu hao, quản lý, lương,... khiến tổng chi phí lắp ráp lên đến 17,5%; nếu tính cả thuế nhập khẩu bộ linh kiện thì lên tới 25%, cao hơn rất nhiều so với nhập khẩu nguyên chiếc. Như vậy, giá xe đầu kéo sản xuất lắp ráp trong nước không cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu.
Đối với xe tải, theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch VAMI, từ 1/1/2015, thuế một loạt dòng xe tải nguyên chiếc từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng còn 0% khiến cho sản xuất lắp ráp trong nước gặp khó khăn. Sau khi các doanh nghiệp kêu cứu lên Chính phủ thì thuế suất nhiều dòng xe đã được nâng lên vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, với xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc vẫn giữ mức 0%.
Nếu như thuế suất thuế nhập khẩu với xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc nguyên chiếc đã hạ về 0%, thì ít nhất với bộ linh kiện cũng nên hạ về 0%. Để tồn tại nghịch lý thuế nhập khẩu bộ linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, chẳng khác nào khuyến khích nhập khẩu và ngăn chặn sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Long nói.
Vì vậy, VAMI đã đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc mới lên 20%, xe đầu kéo đã qua sử dụng và sơ mi rơ moóc lên 50%, giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện CKD về mức 0% để khuyến khích sản xuất trong nước.
Theo Trần Thủy
Vietnamnet