1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vợ chồng ông Trần Đình Long mất hơn 1.500 tỷ đồng vì… thận trọng?

(Dân trí) - Đặt kế hoạch doanh thu 70.000 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 25% nhưng chỉ tiêu lãi sau thuế lại giảm 22% so với kết quả đạt được trong năm 2018 còn 6.700 tỷ đồng, đây được cho là sự “thận trọng” của “vua thép” Trần Đình Long. Thế nhưng giá cổ phiếu giảm sâu đã “cuốn” đi của vợ chồng ông Long hơn 1.500 tỷ đồng trong 1 ngày.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index ghi nhận mức điều chỉnh 4,32 điểm tương ứng 0,43% còn 1004,12 điểm trong khi HNX-Index lại tăng 0,43 điểm tương ứng 0,39% lên 110,44 điểm.

Trên toàn thị trường ghi nhận có 354 mã giảm, 41 mã giảm trong khi phía tăng có 324 mã, 64 mã tăng trần. Tương quan số mã tăng-giảm trên thị trường nhìn chung vẫn cân bằng với chênh lệch không đáng kể.

Tuy vậy, thanh khoản lại tăng vọt. Với khối lượng 250,27 triệu cổ phiếu giao dịch, giá trị giao dịch trên HSX lên tới 6.497,03 tỷ đồng trong phiên này trong khi con số này trên HNX là 46,1 triệu cổ phiếu tương ứng 529,3 tỷ đồng. Thanh khoản tăng, đặc biệt vào cuối phiên chiều, do đây là thời gian để các quỹ ETF cơ cấu danh mục

Trong khi BID hỗ trợ chỉ số hơn 1 điểm, GAS, PLX, HDB, CTG, SAB tăng cũng đóng góp cho chỉ số, tuy nhiên, các nỗ lực này đã bị xoá tan hoàn toàn do tình trạng giảm giá tại một số mã như HPG, VCB, MSN, VHM, NVL, VRE…

Phiên này, VCB giảm 1.000 đồng, MSN giảm 2.100 đồng, VHM giảm 700 đồng. Riêng HPG giảm 2.300 đồng tương ứng mất tới 6,73% đã lấy đi của VN-Index tới 1,49 điểm. Đây cũng là mã có tác động tiêu cực nhất đối với VN-Index phiên 15/3.

tran dinh long.jpg

Rớt khỏi danh sách người giàu thế giới năm 2019 của Forbes, song tài sản của ông Long vẫn được định giá 1 tỷ USD

HPG giảm giá nhưng khối lượng giao dịch lại được đẩy lên rất mạnh, trên 17 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, dẫn đầu toàn thị trường. Theo VDSC, đây là thanh khoản cao nhất trong lịch sử giao dịch 1 năm qua của mã cổ phiếu này, xuất phát từ áp lực bán của khối ngoại đưa giá về mức sàn và xuất hiện lực cầu bắt đáy đối với HPG.

Mức giá của HPG từng chạm đáy vào phiên 1/2 tại 27.300 đồng và đạt cao nhất 1 năm vào 19/3/2018 là 45.086 đồng (đã điều chỉnh). Với mức giá đóng cửa ngày 15/3 là 31.900 đồng, HPG đã tăng gần 17% so với đáy và giảm hơn 29% so với mức đỉnh.

Diễn biến khá tiêu cực về giá của cổ phiếu HPG phiên hôm qua diễn ra trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, bên cạnh đó, tập đoàn này cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua nhiều vấn đề trình ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên sắp tới.

Đáng chú ý, HĐQT Hoà Phát dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch doanh thu 70.000 tỷ đồng, tăng 25% nhưng chỉ tiêu lãi sau thuế lại giảm 22% so với kết quả đạt được trong năm 2018 còn 6.700 tỷ đồng. Sự thận trọng này được phân tích do diễn biến bất ổn của giá quặng thế giới cũng như thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, HPG dự kiến trả cổ tức cho năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong quý 2/2019. Đối với năm 2019, công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức sẽ là 20%.

Tính theo thị giá của HPG tại phiên 15/3, giá trị tài sản thông qua cổ phiếu nắm giữ của ông Trần Đình Long là hơn 17.000 tỷ đồng. Ông Long hiện đang nắm giữ trên 534 triệu cổ phiếu HPG. Vợ ông – bà Vũ Thị Hiền cũng là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán. Với sở hữu trên 154,7 triệu cổ phiếu HPG, giá trị tài sản bà Hiền đang có khoảng 4.936 tỷ đồng.

Trong phiên giảm sâu của cổ phiếu HPG ngày cuối tuần, giá trị tài sản cổ phiếu của vợ chồng “vua thép” đã giảm khá mạnh với thiệt hại ở mức 1.584,5 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long không còn nằm trong danh sách người giàu thế giới năm 2019 do Forbes công bố hồi đầu tháng này, song thống kê theo thời gian thực (real time), tại ngày 15/3, ông Trần Đình Long vẫn đang nắm trong tay khối tài sản trị giá 1 tỷ USD. Nói cách khác, thực tế, ông chủ Hoà Phát vẫn là “tỷ phú USD” thứ 6 của Việt Nam.

Trở lại với thị trường chứng khoán, theo ghi nhận của VDSC, khối ngoại bán ròng phiên thứ 2 với giá trị 172 tỷ đồng. Các cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất là MSN, NVL và CTG. Các cổ phiếu có giá trị bán ròng cao nhất là VHM, VIC và HPG. Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 6 với giá trị 12 tỷ đồng.

VN-Index giảm điểm nhưng thanh khoản trên thị trường duy trì ở mức cao. Theo khuyến nghị của VDSC, nhà đầu tư có thể giải ngân khi cổ phiếu quan tâm xuất hiện sự điều chỉnh. Sự phân hóa sẽ diễn ra rõ nét nên nhà đầu tư nên chú trọng đến các cổ phiếu đầu ngành hoặc cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.

Mai Chi

bannerchanbai-1547856639383.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm