VNPT giảm cước viễn thông, tiếp tục hỗ trợ khách hàng trong dịch bệnh
(Dân trí) - Đồng hành cùng khách hàng cả nước trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Tập đoàn VNPT ngoài việc đã ủng hộ ngay 400 tỷ đồng thì nay tiếp tục ủng hộ 5.000 đồng cho mỗi gói cước giao dịch thành công vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19.
Đồng thời thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng đối với các dịch vụ viễn thông của Tập đoàn.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân trên toàn quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tập đoàn VNPT tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giá cước đối với khách hàng trên cả nước, đặc biệt là tại những tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, đối với những khách hàng ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi thuê bao VinaPhone sẽ được tặng thêm 50 phút gọi nội mạng. Đối với các khách hàng trên toàn quốc, VNPT tặng thêm 50% dung lượng Data nhưng không đổi giá cước đối với tất cả gói cước khi khách hàng gia hạn hoặc đăng ký mới.
Giảm giá 50% gói cước VX3 và VX7, (cụ thể VX3 giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, gói VX7 giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng), trong đó, mỗi lượt thanh toán thành công 2 gói cước trên, sẽ có 5.000 đồng được chuyển vào Quỹ vắc xin của Chính phủ.
Không chỉ vậy, nhằm giúp khách hàng đảm bảo duy trì liên lạc trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách vì dịch bệnh, đối với một số tỉnh hiện đang thực hiện cách ly xã hội VinaPhone sẽ áp dụng chính sách không khóa chiều nghe với thuê bao trả trước đến thời điểm bị khóa hai chiều.
Cùng với đó, VNPT tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện như: Tăng gấp đôi băng thông cho tất cả gói cước Internet cáp quang với giá không đổi; Miễn cước truy cập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế và với ứng dụng Bluezone.
Các chương trình hỗ trợ trên sẽ được áp dụng từ 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.
Hiện nay, cả nước đang bước vào giai đoạn chống dịch quyết liệt, với những ca nhiễm không ngừng tăng. Bởi vậy, Tập đoàn VNPT luôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để có những phương án hỗ trợ kịp thời đối với người dân trên cả nước.
Đại diện Tập đoàn VNPT khẳng định: "Hỗ trợ người dân và Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh luôn là nhiệm vụ trọng tâm của VNPT. Trong giai đoạn này, các nền tảng số, nền tảng công nghệ tiếp tục được nâng cao chất lượng mạng lưới hạ tầng, đảm bảo giữ an toàn thông tin liên lạc. Chúng tôi luôn sẵn sàng sử dụng mọi nguồn lực, thực hiện các chính sách hỗ trợ tối đa để san sẻ khó khăn với nhân dân, giúp người dân yên tâm chống dịch."
Trước đó, VNPT đã liên tục sát cánh cùng người dân và Chính phủ trong mỗi giai đoạn chống dịch. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, VNPT đã triển khai các gói cước miễn phí dành cho đội ngũ tuyến đầu và cá nhân tại các khu cách ly, nâng băng thông hỗ trợ khách hàng tại các tỉnh/thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mới đây nhất, VNPT đã thực hiện miễn cước hoàn toàn các cuộc gọi từ thuê bao cố định, Gphone VNPT và di động VinaPhone đến Cổng thông tin 1022 của TPHCM. Đây là tổng đài hỗ trợ Thành phố tiếp nhận yêu cầu của người dân gặp khó khăn trong thời gian thực hiện chỉ thị 16.
Trong những ngày cao điểm này, Công thông tin đã gặp tình trạng quá tải với trung bình gần 60.000 cuộc gọi mỗi ngày. Để hỗ trợ Cổng thông tin của Thành phố, VNPT đã tổ chức hệ thống bàn tiếp nhận các cuộc gọi vào Cổng thể hiện sự kịp thời đồng hành cùng Thành phố chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ người dân liên tục 24/7.
Đặc biệt, Tập đoàn đã ủng hộ 400 tỷ vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 với mong muốn "chia lửa" những khó khăn của đất nước cũng như hy vọng người dân sẽ sớm được tiếp cận vắc xin hoàn toàn miễn phí.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm nay, VNPT sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng dung lượng cáp quang quốc tế thêm 30% để đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc và giải trí của người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, VNPT sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Thông tin & Truyền thông và các doanh nghiệp khác để ra mắt nền tảng mới, hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.