Vn-Index mong manh ngưỡng 400 điểm

(Dân trí) - Sau phiên xác định giá mở cửa sụt giảm thê thảm, bước sang đợt khớp lệnh liên tục, giao dịch toàn thị trường đã được cải thiện đáng kể giúp Vn-Index chốt ngày 8/10 lấy lại được ngưỡng 400 điểm.

Thị trường vừa đón nhận thêm thông tin hỗ trợ tích cực khi giá xăng được giảm thêm 500 đồng xuống còn 16.500 đồng/lít, thế nhưng kết thúc phiên giao dịch  hôm nay chứng khoán Việt Nam vẫn có thêm 1 phiên giảm điểm khá mạnh nữa.

Ngay phiên giao dịch mở cửa thị trường, Vn-Index đã để mất ngưỡng 400 điểm khi giảm mạnh tới 17,04 điểm (tương đương 4,11%) xuống còn 397,2 điểm và đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm đến nay Vn-Index phải xuống dưới ngưỡng này (lần đầu vào ngày 4/6/2008).

Tuy nhiên tính thanh khoản của thị trường đã được cải thiện đáng kể, giao dịch đã tăng mạnh ngay trong đợt 1 với hơn 5 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index đã lấy lại được ngưỡng 400 điểm, tuy vậy giao dịch vẫn chưa tạo được sự đột biến. Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index giảm 12,91 điểm (tương đương giảm 3,12%) xuống còn 401,33 điểm.

Khối lượng giao dịch phiên này tăng khá mạnh lên hơn 17,175 triệu đơn vị (tăng gần 47%) với giá trị tương ứng là 580,252 tỷ đồng (tăng hơn 20%) so với phiên giao dịch trước đó.

Trong tổng số 164 mã niêm yết trên HoSe đã có 24 mã tăng giá với 6 mã tăng giá trần, vẫn còn 127 mã giảm giá trong đó 92 mã giảm giá sàn, 12 mã giữ mức giá tham chiếu với 1 mã không có giao dịch.

Nhóm cổ phiếu có mức vốn hoá lớn trên sàn vẫn tiếp tục giảm giá ngoại trừ VNM của Vinamilk giữ được mức tham chiếu 90.000 đồng/CP. Nhóm tăng giá hầu hết là các mã cổ phiếu nhỏ và tăng giá mạnh nhất là IMP của Imexpharm, cổ phiếu này tăng 4.000 đồng lên 91.000 đồng/CP, các mã đáng chú ý khác là SGH, DCL,VSC…

Cổ phiếu BBT sau 5 phiên liên tiếp tăng trần, đến phiên giao dịch ngày hôm nay cổ phiếu này đã phải tạm dừng chuỗi ngày tăng điểm của mình, cổ phiếu này giảm sản 300 đồng/CP xuống còn 6.100 đồng/CP với 64.820 đơn vị chuyển nhượng thành công.

Về khối lượng khớp lệnh STB vẫn đứng đầu với 4,17 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, tiếp theo là DPM với 1,01 triệu cổ phiếu.

Bên sàn Hà Nội, mặc dù đóng cửa phiên giao dịch, Hastc-Index tiếp tục giảm 5,52% xuống 127,53 điểm, song giao dịch tăng mạnh trở lại khiến nhiều NĐT vẫn hi vọng thị trường sẽ đảo chiều trở lại vào một ngày gần đây. Khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt 9,788 triệu cổ phiếu giao dịch, đạt 311,32 tỷ đồng.

CCM tiếp tục “đi ngược thị trường” trong phiên giao dịch sáng nay 8/10, với mức tăng trần 3.600 đồng lên 55.400 đồng/CP. Tuy nhiên cả phiên cổ phiếu này chỉ có 3.900 đơn vị được chuyển nhượng.

Các cổ phiếu tăng điểm khác trong phiên là TPH, PVE, MIC, và TPP với mức tăng từ 900 - 1.100 đồng/CP.

Trong khi đó cổ phiếu VSP của CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin tiếp tục giảm giá nhiều nhất thị trường. Tuy nhiên phiên này VSP không còn bị bán giá sàn với khối lượng lớn và được các nhà đầu tư mua 236.300 cổ phiếu với giá bình quân 139.300 đồng/CP (trên mức giá sàn 500 đồng).

Các cổ phiếu nằm trong Top giảm giá nhiều nhất sàn Hà Nội phiên này còn có cổ phiếu DTC, HLY, SCJ và DAC. Về lượng khớp lệnh, ACB phiên này được mua vào khá nhiều với gần 1,4 triệu cổ phiếu, PVS (812.500 CP), VCG (562.200 CP), PAN (389.900 CP) và DBC (337.300 CP).

Thời điểm này đã có một số công ty công bố báo cáo sản xuất kinh doanh quý III/2008 như STP, MIC, DBC… Kết quả cho thấy các công ty này đều kinh doanh khả quan và có lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm 2008.

Thanh Tú - Phương Mai