Vn-Index đang dẫn dắt thị trường?

Hiện nay, nhà đầu tư (NĐT) thường chỉ quan tâm đến chỉ số trên TTGDCK TPHCM (Vn-Index) và coi đó là chỉ số thể hiện tốc độ phát triển cũng như xu thế biến động của TTCK. Bởi có một thực tế là khi giao dịch trên HoSTC "nóng" thì toàn thị trường (bao gồm cả HaSTC, IPO, OTC) cũng sôi động theo và ngược lại.

Nhưng sự phản ứng của từng thị trường với biến động của Vn-Index lại khác nhau cả về mức độ và thời gian.

Vn-Index chạy trước, HaSTC-Index theo sau?

Nhìn vào biểu đồ biến động chỉ số Vn-Index và HaSTC-Index có thể thấy diễn biến của 2 đường này về cơ bản là giống nhau, tức là có mức biến động trung bình chung là cùng chiều.

Xem xét diễn biến từng ngày giao dịch, HaSTC-Index luôn có độ trễ khoảng 1, 2 phiên so với Vn-Index. Nhưng do HaSTC có biên độ dao động giá 10% lớn hơn biên độ dao động giá 5% của HoSTC nên tính trung bình một tuần giao dịch thì mức tăng (hoặc giảm) trung bình của HaSTC-Index vẫn cao hơn Vn-Index, do đó mức biến động sẽ cao hơn.

Mức biến động trung bình tuần cũng thể hiện xu thế của 2 chỉ số trên là luôn luôn cùng chiều nhau cả trong ngắn hạn. Quy luật này giúp NĐT có kinh nghiệm nhanh chóng nhận định diễn biến trên HaSTC thông qua sự biến động của Vn-Index.

OTC còn "ảm đạm" khi Vn-Index chưa lên

Tương tự như diễn biến trên sàn HN, OTC "ảm đạm" là thực tế đau lòng của rất nhiều NĐT thời gian qua. Nếu so sánh với thời điểm huy hoàng nhất của thị trường thì hiện tại, các CP trên sàn TPHCM trung bình mất gần 18% giá trị, sàn HN trung bình mất khoảng 30%, và thị trường OTC cũng đang có sự điều chỉnh mạnh.

Vào giai đoạn thị trường gần như đứng im này, theo thống kê, 20 CP lớn trên OTC giảm 30-40% giá trị, cá biệt có CP của Vinaconex giảm tới 58% so với mức giá đỉnh 175.000đ xuống còn 73.000đ/CP.

Các CP khác hầu như không có giao dịch. Sở dĩ OTC có sự dao động mạnh như thế vì vừa chịu tác động của thị trường niêm yết, lại vừa có mối quan hệ chặt chẽ với các đợt IPO nên "nhạy" với những biến động của Vn-Index hơn.

Kết quả đấu giá cổ phần bị "điều khiển" bởi Vn-Index

Kết quả đấu giá cổ phần ở đây bao gồm cả kết quả IPO và phát hành thêm của các công ty đã CPH. Nhìn vào thống kê những đợt đấu giá cổ phần từ đầu năm 2007 ta thấy một quy luật, đó là: Kết quả đấu giá cổ phần hầu như không dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị phát hành mà phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm phát hành.

Cụ thể trong khoảng thời gian từ đầu năm 2007 đến giữa tháng 4, khi VN - Index liên tục tăng trưởng, thì mức giá trúng thấp nhất trung bình và mức giá trúng bình quân trung bình 3 tháng đầu năm gấp 6.1 và 8.3 lần so với mức giá khởi điểm (cá biệt có nhiều công ty có mức giá bình quân gấp từ 12-17 lần giá khởi điểm), con số này là 5.8 và 7.9 tính đến thời điểm 16.4.2007 khi thị trường bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống.

Trong giai đoạn từ giữa tháng 4 đến hết tháng 6 - giai đoạn thị trường đi ngang, mức trung bình trên nhanh chóng giảm mạnh xuống còn 1.6 và 1.9, ngay cả khi có những đợt IPO lớn diễn ra.

Những con số trên thể hiện mức độ hưng phấn cũng như cung - cầu của thị trường tại mỗi một thời kỳ. Tất nhiên, không ngoại trừ tác động của mức giá khởi điểm khi các công ty ngày càng kỳ vọng cao hơn ở lượng vốn huy động được thông qua phát hành, nên mức giá khởi điểm có xu hướng tăng lên so với các công ty cùng ngành hoặc đợt phát hành của chính công ty trước đó.

Kết quả đấu giá cổ phần cũng chịu tác động của một xu thế biến động của Vn-Index và có độ trễ về thời gian khá lớn. Và độ trễ này chính là khe hở cho một số "đại gia" có thể "điều khiển" kết quả đấu giá theo ý đồ thông qua Vn-Index dù ở phía ngược lại, bản thân các đợt đấu giá cũng tác động tới Vn-Index dưới khía cạnh nguồn cung và tâm lý NĐT.

Tất nhiên ở cả 3 thị trường đều chịu tác động của yếu tố cung cầu tại cùng 1 thời điểm nên hiện tượng đồng loạt sụt giảm hoặc tăng "nóng" không có gì là lạ. Nhưng cũng phải khẳng định là tâm lý thị trường trên TTGD TPHCM tác động rất lớn đến các thị trường khác.

Tính chi phối này thể hiện sự không hiệu quả của thị trường, hàm chứa mức rủi ro rất lớn cho NĐT. Đơn cử trong giai đoạn này, trong khi NĐT rất khó khăn để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường niêm yết thì cũng phải chịu "bế quan toả cảng" trên OTC.

Theo Vũ Hạ-VICF
Báo Lao động