Vinaconex vẫn còn nợ gần 1 tỷ USD

(Dân trí) - Mặc dù khoản nợ đã giảm gần 4.000 tỉ đồng so đầu năm, song đến cuối quý II, tổng nợ phải trả của Vinaconex vẫn còn gần 21.000 tỉ đồng. Tiền và tương đương tiền so đầu năm đã giảm một nửa, còn gần 680 tỉ đồng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Giảm nợ 4.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm
 
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất công bố hôm 15/8 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) tổng nợ phải trả vào cuối quý II của Vinaconex là 20.715,1 tỉ đồng, giảm gần 4.000 tỉ đồng so đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn 13.382,4 tỉ đồng, nợ dài hạn gần tương đương đầu kỳ 7.332,7 tỉ đồng. 

Phần vay và nợ ngắn hạn giảm từ 6.885,1 tỉ đồng xuống còn 5.108,7 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ dài hạn đến hạn trả là 1.136,8 tỉ đồng, đã giảm còn 1/3 so đầu năm. Phần vay ngắn hạn ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất và tăng so đầu năm 300 tỷ đồng lên 3.481,2 tỉ đồng.

Còn tại BCTC của công ty mẹ cho thấy, tại thời điểm 30/6, bảng cân đối của Vinaconex ghi nhận các khoản vay và nợ ngắn hạn của công ty mẹ là 1.112 tỷ đồng. Dù vậy, con số này đã được giảm tới hơn một nửa so thời điểm đầu năm (tại thời điểm 1/1/2012, đơn vị này còn nợ 2.835,2 tỉ đồng. 

Thuyết minh BCTC của công ty mẹ cho thấy, với các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả, công ty mẹ đang nợ các ngân hàng nước ngoài 467,4 tỉ đồng, nợ các ngân hàng trong nước 245,6 tỉ đồng. Phần này đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm, vay dài hạn đến hạn trả lên tới 2.701 tỉ đồng, phần gánh nặng đầu kỳ chủ yếu do khoản trái phiếu Vinaconex 2010 trị giá 2.000 tỉ đồng.

Với gánh nặng nợ nần, công ty mẹ phải chi trả lãi vay 242 tỉ đồng, tăng mạnh so mức 176 tỉ đồng hồi năm ngoái. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tăng "khủng khiếp", lên 1.016,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 135,8 tỉ đồng.

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ đến 30/6 của toàn TCT còn 679,8 tỉ đồng, giảm 1 nửa so đầu kỳ là 1.302,5 tỉ đồng, và so với gần 3.000 tỉ đồng hồi đầu năm ngoái thì chỉ còn chưa đến 1/4. Tuy nhiên, tiền mặt tăng so đầu năm, lên 51,9 tỉ đồng từ mức 37 tỉ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty mẹ là 221,6 tỉ đồng, giảm so 280,7 tỉ đồng hồi đầu năm. Trong đó tiền mặt còn 171,6 tỉ đồng, giảm so mức 215,6 tỉ đồng thời điểm 1/1/2012.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6 là 4.847,9 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu 4.417,1 tỉ đồng, tăng so mức 3.000 tỉ đồng thời điểm đầu năm. Vốn góp của cổ đông Nhà nước tăng hơn 1.000 tỉ đồng đạt 2.552,5 tỉ đồng so 1.531,5 tỉ đồng hồi 1/1/2012. Trong khi đó, vốn góp của cổ đông khác tăng thêm chưa đến 400 tỉ đồng.

Tổng tài sản đã giảm còn 14.234 tỉ đồng, từ mức 16.174,8 tỉ đồng hồi đầu năm. Như vậy, trong 6 tháng, tổng tài sản của công ty mẹ Vinaconex đã bị giảm xuống gần 2.000 tỉ đồng.

Dồn dập thoái vốn

Hợp nhất quý II, VCG đạt doanh thu 2.949 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 256 tỉ đồng, giảm 24,4% so cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu tài chính của VCG đạt 189 tỷ đồng, giảm 19%, chi phí tài chính là 379 tỷ đồng, tăng 10%. Trong phần lãi 196 tỷ đồng thì lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 128 tỉ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCG đạt tổng doanh thu 5.567 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 155 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tương ứng là 392 đồng.

Trong khi doanh thu tài chính giảm 250 tỉ đồng so cùng kỳ 2011 còn 338,1 tỉ đồng thì phần chi phí tài chính lên đến 723 tỉ đồng. Trong đó chi phí cho tiền lãi vay là 542 tỉ đồng, vượt cả doanh thu.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý II, Tổng giám đốc Vinaconex, ông Vũ Quý Hà cho biết, do tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của các căn hộ, văn phòng tại dự án N05 đã bàn giao cho khách hàng và thu tiền theo hợp đồng. Vì vậy, khoản này đã góp phần làm cho lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT tăng hơn 10% so lợi nhuận cùng kỳ.

Có một khoản thu nhập tăng đột biến trong kỳ này của công ty mẹ Vinaconex lại đến từ thanh lý xe ô tô, đạt 1.372,4 tỉ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái (295 triệu đồng).

Mặc dù, theo đánh giá chung của Vinaconex, kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhiều công ty và đơn vị của VCG có kết quả sản xuất kinh doanh tương đối ổn định và vượt mức thực hiện so với 2011 như CTCP Vinasinco, CTCP Sàn giao dịch Bất động sản, CTCP Vinaconex Dung Quất, CTCP Vinaconex 9, CTCP Vinaconex12, và CTCP Vinaconex 17.

Một số đơn vị liên doanh liên kết của Vinaconex có kết quả kinh doanh tốt như công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh quốc tế Vinaconex - Taisei, CTCP Ống sợi thủy tinh, CTCP nhân lực và thương mại Vinaconex MEC, CTCP Xây dựng Công trình ngầm Vinavico. Sáu tháng cuối năm, VCG chú trọng đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc theo kế hoạch đề ra và hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Tổng số chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TCT đến thời điểm cuối quý II còn 2.675,6 tỉ đồng, tăng khoảng 300 tỉ đồng hồi đầu năm.

Để giải quyết các khó khăn của mình, Vinaconex đã thực hiện thoái vốn tại một loạt công ty con và công ty góp vốn. Trong kỳ, TCT bán 8 triệu cổ phần tại Xi măng Yên Bình, giảm tỉ lệ nắm giữ từ 57,25% xuống còn 26%. Đồng thời, thực hiện bán đấu giá 3,75 triệu cổ phần lại Vinaconex Hoàng Thành, chiếm 25% vốn thực góp, dự kiến thu về ít nhất 109,6 tỉ đồng. Ngoài ra, HĐQT cũng đã phê duyệt phương án chuyển nhượng cô phần của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Vinaconex Dung Quất, Công ty cổ phần Vinaconex VCN.

TCT còn "rút chân" ra khỏi Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel, Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh, Công ty Vinaconex Xuân Mai, Công ty Vinaconex Thanh Hóa; thoái vốn và tài sản thuê tại Chợ Mơ, Dung Quất, tòa nhà Thời trang, Vinaconex Hoàng Thành, Vinasanwa, Sài Gòn Tây Bắc.

Được nhắc đến nhiều nhất là việc bán Xi măng Cẩm phả. Liên tục trong 2 năm, sở dĩ BCTC hợp nhất của Vinaconex xấu đi chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng đến từ Xi măng Cẩm Phả. Đối tác của thương vụ này được biết đến là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).

Trong tài liệu đính kèm Báo cáo kết quả chào bán 200.000 cổ phiếu ra công chúng ngày 13/3 cho thấy, VCG hiện đang có 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hai tổ chức này đang nắm tới 79,07% cổ phần tại VCG.

Trong đó, Viettel sở hữu 94 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ nắm giữ 21,28%, còn SCIC nắm 57,59% với 255 triệu cổ phiếu. Tính theo thị giá của VCG đang 10.400 đồng thì SCIC đang còn khoảng 2.652 tỉ đồng và Viettel cũng còn khoảng 987 tỉ đồng tại VCG.

Mai Chi