Vinacafe Buôn Ma Thuột thua kiện hơn 800 tỉ đồng
Trong vụ tranh chấp hơn 18.000 tấn cà phê giữa Cty CP đầu tư và xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) với một đại lý tư nhân, TAND TP.Buôn Ma Thuột đã tuyên xử “ông lớn” thua kiện với số hàng phải trả trị giá hơn 800 tỉ đồng.
Ký gửi cà phê tại kho các đại lý và doanh nghiệp thường tiềm ẩn rủi ro (Ảnh minh hoạ).
Theo trình bày của nguyên đơn là bà Võ Thị Kim Ngọc - trú tại xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc - thì từ năm 2007 đến ngày 9/11/2010, đại lý cà phê Kim Ngọc của bà đã gửi kho Vinacafe Buôn Ma Thuột 18.564,476 tấn cà phê nhân.
Vinacafe Buôn Ma Thuột chỉ làm lệnh nhận hàng, không lập hợp đồng ký gửi, không ấn định thời điểm chốt giá mua bán. Bà Ngọc có xuất 11 hóa đơn GTGT theo giá tạm tính, mục đích để xác nhận số lượng càphê ký gửi, đồng thời Cty sử dụng hóa đơn này vay vốn ngân hàng. Toàn bộ số tiền ứng, bà Ngọc phải chịu lãi suất - tính đến ngày 9.11/2010 là 513,5 tỉ đồng tiền gốc, hơn 132,2 tỉ đồng tiền lãi.
Trong đơn khởi kiện, bà Ngọc không có ý kiến về số tiền ứng cũng như lãi suất, nhưng yêu cầu Vinacafe Buôn Ma Thuột trả lại toàn bộ số càphê và giải quyết các khoản nợ, nếu công ty chịu mua theo giá thị trường thì bà Ngọc ưu tiên bán cho để khấu trừ tiền ứng, lãi suất và phí lưu kho.
Ngược lại, Vinacafe Buôn Ma Thuột căn cứ vào 11 hóa đơn GTGT của đại lý càphê Kim Ngọc để xác định bà Ngọc đã bán đứt 18.200 tấn càphê cho công ty. Sau khi trừ số tiền ứng và lãi suất, bà Ngọc vẫn còn nợ gần 176 tỉ đồng - tính đến ngày 25/1/2011. Theo Vinacafe Buôn Ma Thuột, cùng với số nợ trên, bà Ngọc chỉ còn lại 156,476 tấn càphê là ký gửi do số hàng này chưa được xuất hóa đơn GTGT.
“Ông lớn” thua kiện
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/9, TAND TP.Buôn Ma Thuột nhận định: Thực chất Vinacafe Buôn Ma Thuột có cho bà Ngọc ứng tiền, bà Ngọc mua càphê nhập kho công ty, công ty tính lãi đối với số tiền bà Ngọc được tạm ứng. Khi nhập hàng vào kho Vinacafe Buôn Ma Thuột, bà Ngọc có xuất hóa đơn nhưng chỉ ghi giá tạm tính với mục đích để công ty vay tiền ngân hàng.
Hai bên chưa làm thủ tục mua bán theo giá thị trường tại thời điểm mua bán, chưa khấu trừ số tiền tạm ứng, tiền lãi. Tại các biên bản đối chiếu công nợ vẫn thể hiện bà Ngọc còn nợ tiền ứng, tiền lãi với công ty.
Ngoài ra, trong biên bản làm việc ngày 15/12/2010, Vinacafe Buôn Ma Thuột còn đề nghị bà Ngọc chốt giá bán 35.266 đồng/kg trên toàn bộ lô hàng, nhưng bà Ngọc không đồng ý. Các tài liệu này cho thấy bà Ngọc chưa bán đứt số hàng trên cho Vinacafe Buôn Ma Thuột. Do vậy, HĐXX buộc Vinacafe Buôn Ma Thuột phải trả cho bà Ngọc 18.356,476 tấn cà phê, chịu án phí dân sự sơ thẩm hơn 934 triệu đồng.
Theo giá thị trường hiện nay, số lượng cà phê trên trị giá khoảng 810 tỉ đồng nên sau khi trừ tạm ứng và lãi suất, Vinacafe Buôn Ma Thuột vẫn phải trả khoảng 164 tỉ đồng cho bà Võ Thị Kim Ngọc.
Ký gửi càp hê không lập hợp đồng, hóa đơn chỉ ghi giá tạm tính, chốt giá mua bán bằng... miệng vẫn là cách làm phổ biến trong giao dịch cà phê tại Đắk Lắk. Sự việc trên một lần nữa cảnh báo rủi ro trong phương thức giao dịch này, ngay cả những “ông lớn” như Vinacafe Buôn Ma Thuột cũng không tránh khỏi.
Theo giới kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk, khi giá cà phê lên quá cao thì bên nhận ký gửi sẽ thiệt, còn giá xuống quá thấp thì bên ký gửi bị thua lỗ nên thường dẫn đến tranh chấp.
Theo Đặng Trung Kiên