Viettel mang gì tới MWC 2017?

Hội nghị di động toàn cầu (MWC 2017) đang diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) - sự kiện lớn nhất hàng năm của làng di động thế giới - nơi quy tụ của hầu hết những “ông lớn” trong ngành công nghệ, viễn thông, để giới thiệu các sản phẩm, các ứng dụng công nghệ mới nhất và dự báo các xu thế mới.

Viettel, doanh nghiệp viễn thông công nghệ duy nhất của Việt Nam cũng đang góp mặt tại đây. Vậy Viettel đã mang gì tới MWC 2017?

“Dịch vụ địa phương”, ứng dụng toàn cầu

Ứng dụng gọi tin nhắn miễn phí OTT Mocha, giải pháp an ninh mạng VT Mobile Security, giải pháp bán hàng trực tuyến DMS.One, giải pháp hải quan một cửa, giải pháp hệ sinh thái y tế và giải pháp ví điện tử, là 6 sản phẩm được Viettel mang tới MWC 2017.

Viettel mang gì tới MWC 2017? - 1

Tại một góc của gian hàng của Viettel, anh Nguyễn Đình Chương (PTGĐ CNTT của Metfone – Thương hiệu Viettel tại Campuchia), phụ trách giới thiệu giải pháp hệ sinh thái y tế hào hứng giới thiệu cho nhóm du khách quốc tế tham quan về nhóm giải pháp hệ sinh thái y tế của Viettel.

Chương nói với khách tham quan, ở Việt Nam trước đây, mỗi ngày, các bệnh viện phải tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân, mỗi tháng hàng chục nghìn hồ sơ bảo hiểm y tế được chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, công đoạn nhập liệu thủ công theo cách truyền thống đã làm việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn.

Nhưng sau khi giải pháp hệ sinh thái y tế của Viettel được triển khai, cụ thể là hệ thống y tế dự phòng NIIS.ONE, gồm 2 giải pháp quản lý tiêm chủng quốc gia và giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm, thông qua Cổng thông tin tiêm chủng, bất kỳ người dân nào cũng có thể tra cứu lịch sử tiêm, đặt lịch tiêm cho bản thân hoặc cho con em mình. Hiện sản phẩm đã được triển khai tại 5 thành phố lớn tại Việt Nam (gồm Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Ninh) tại 83 quận, 1.274 trung tâm y tế, 107 bệnh viện.

Hay hệ thống HIS.ONE giúp các bác sĩ dễ dàng kiểm tra lịch sử khám bệnh của bệnh nhân trên hệ thống bao gồm: tình trạng bệnh, đơn thuốc, chi phí… và đã được triển khai 64/64 tỉnh, 1.100 bệnh viện, 12.000 trung tâm y tế…

Ở một góc khác của gian hàng Viettel, PTGĐ Natcom (Thương hiệu Viettel tại Haiti) Khuất Duy Sơn, giới thiệu cho khách tham quan về dịch vụ ví điện tử của Viettel, khi đang được triển khai 7 quốc – những thị trường mà Viettel đang kinh doanh. Theo đó, dịch vụ này đã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính vi mô tiện lợi tới cho 93.600.000 người. Đặc biệt ở Campuchia, dịch vụ ví điện tử eMoney của Viettel đã có hơn 200 nghìn tài khoản với hơn 1 triệu giao dịch/tháng, luồng tiền khoảng 50 – 50 triệu USD/tháng.

Một số khách tham quan quốc tế khi được đại diện Viettel giới thiệu về giải pháp hải quan một cửa đã hỏi “vặn” lại rằng, sản phẩm này trên thế giới đã có nhiều công ty làm, vậy của Viettel có gì khác biệt? Câu hỏi đến từ các vị khách quốc tế đã được các chuyên gia của Viettel giải đáp cụ thể và nhận được những tán đồng.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Tào Đức Thắng, cho biết, việc thiết kế, sáng tạo ra các giải pháp trên thực tế đều xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, tuy nhiên, Viettel có thể triển khai, áp dụng ở hầu hết các nước mà tập đoàn đã đầu tư, chưa kể tại các thị trường này, trình độ phát triển kinh tế xã hội còn kém hơn so với Việt Nam, do vậy, nhu cầu thực tế sử dụng giải pháp còn cấp thiết hơn cả ở Việt Nam.

Đi bán sản phẩm

Viettel hiện có mặt tại 11 quốc gia trên thế giới thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Trong đó có 5 thị trường của Viettel đã triển khai 4G tạo điều kiện thuận lợi để Viettel có cơ hội phát triển các ứng dụng thông minh dành cho khách hàng. Tính đến hết năm 2016, sau 10 năm đầu tư nước ngoài, Viettel đã có hơn 100 triệu khách hàng toàn cầu, lọt vào Top 30 Tập đoàn Viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất thế giới (theo số liệu thống kê của hiệp hội GSMA).

Thị trường mới nhất mà Viettel nhận giấy phép triển khai và kinh doanh dịch vụ viễn thông là Myanmar và dự kiến cuối năm nay tập đoàn sẽ chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Viettel mang gì tới MWC 2017? - 2

Tại 11 đất nước nơi mình đặt chân đến, Viettel đã áp dụng chiến lược liên tục đổi mới để sáng tạo ra các giải pháp ngày càng hoàn hảo, đem lại tiện ích cho con người, cho xã hội. Viettel xây dựng một hạ tầng mạng lưới hiện đại với vùng phủ rộng khắp, đi đầu về công nghệ 3G/4G tại các thị trường, sau đó cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ số tới cho mọi người dân, giúp giải quyết các vấn đề của xã hội.

Do quy mô đầu tư rộng lớn ở hàng chục quốc gia tại nhiều châu lục trên, nên có lẽ, khi Viettel đặt gian hàng tại MWC 2017 – hội nghị vốn thu hút tới 200 quốc gia (trong đó 60% đến từ thị trường châu Âu, 18% đến từ châu Mỹ và 15% đến từ châu Á…), hơn 2.200 gian hàng triển lãm và 3.800 cơ quan truyền thông quốc tế - đã không còn gây nhiều ngạc nhiên hay lạ lẫm đối với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trên toàn cầu.

Năm ngoái, 2016, lần đầu tiên Viettel tham dự MWC, tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Tào Đức Thắng, lần đầu tham gia Viettel chủ yếu tập trung vào truyền thông, giới thiệu về các sản phẩm và khẳng định vị thế của Viettel. Nhưng năm nay, Viettel đến MWC với mong muốn tìm kiếm các cơ hội bán hàng, các sản phẩm sẽ tiếp cận được các doanh nghiệp trên thế giới nhiều hơn và mục đích chính để là bán hàng, bán ứng dụng, giải pháp.

“Trong lần mang sang Barcelona năm nay, Viettel mong muốn mang sang các sản phẩm, các concept mà Viettel làm, những kinh nghiệm đã triển khai tại các thị trường của Viettel, nhằm giới thiệu với bạn bè thế giới. Các đối tác quan tâm, các công ty viễn thông ở nước ngoài, các quan chức, nếu họ thấy phù hợp sẽ được Viettel đàm phán, hợp tác”, ông Thắng cho biết.