Vietnam Airlines sẽ bán vé điện tử như thế nào?
Bắt đầu từ ngày hôm nay (1/2/2007), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tiến hành bán vé điện tử tại các văn phòng của hãng ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Từ 1/3, vé điện tử được bán như vé giấy tại các đại lý do Vietnam Airlines lựa chọn.
Xung quanh dự án này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đương Quy, Phó trưởng ban Tiếp thị hành khách của Vietnam Airlines.
Giúp chống nạn đầu cơ
Lộ trình triển khai đợt thử nghiệm bán vé máy bay điện tử của Vietnam Airlines như thế nào?
Từ 1/2, việc bán vé điện tử mới chỉ được thực hiện tại các văn phòng bán vé của Vietnam Airlines. Còn từ 1/3, chỉ các đại lý của hãng mới được tham gia bán vé điện tử. Tuy nhiên, danh sách này cũng được lựa chọn và sẽ mở rộng dần tuỳ thuộc vào khả năng quản lý, kiểm soát của đại lý.
Những đường bay áp dụng vé điện tử là Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đà Nẵng. Từ 1/4, Vietnam Airlines sẽ mở rộng dần tới các đường bay có nhiều khách du lịch, như Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc.
Việc triển khai bán vé máy bay điện tử trên các đường bay quốc tế sẽ thực hiện từ quý II/2007, ưu tiên cho các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU (Đức, Pháp), Australia, Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Theo ông, sử dụng vé điện tử có những ưu điểm gì?
Trước hết, vé điện tử sẽ rất thuận tiện cho hành khách bởi dễ quản lý hơn, thay đổi dễ dàng, tiết kiệm thời gian, không cần cầm vé, không sợ mất vé, không phải trả các chi phí liên quan đến vé giấy, sử dụng được thiết bị tự phục vụ.
Đồng thời, sử dụng vé điện tử sẽ loại bỏ các chi phí cho vé giấy từ 7 - 9 USD/vé, giúp Vietnam Airlines tăng chất lượng dịch vụ và chống nạn đầu cơ vé, vé giả.
Đối với tình huống trục trặc kỹ thuật mạng Internet như vừa qua, liệu việc bán vé điện tử có bị ảnh hưởng không? Vietnam Airlines có chống được tình trạng đầu cơ vé điện tử như đã từng xảy ra với vé giấy?
Về lý thuyết, khi sử dụng mạng thì hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp trục trặc như mất điện, lỗi đường truyền; thế nhưng tỷ lệ thực tế xảy ra là dưới 1 phần nghìn (qua thực tế hơn 10 năm thực hiện ở các nước), con số chính xác phụ thuộc vào thị trường và cơ sở hạ tầng ở nơi đó.
Ngoài ra, có một chương trình gọi là backup dữ liệu, trong trường hợp mạng có trục trặc, tất cả các dữ liệu bay của hành khách sẽ được download từ hệ thống xuống tại đơn vị hành khách ở sân bay đi, trước 1 - 3 giờ tùy vào khả năng kỹ thuật của nhà cung ứng. Khi mất điện vào lúc kiểm tra check in, ở local airport các sân bay đã có dữ liệu đó rồi.
Đối với trường hợp mất vé, chúng tôi khẳng định không có trường hợp này. Khách có thể quên vé nhưng thông tin số chứng minh thư, số hộ chiếu (những giấy tờ dùng để mua vé) thì hàng không hoàn toàn có thể giúp khách hàng tìm lại vé của mình.
Việc đầu cơ vé, thực ra là đầu cơ chỗ, đối với vé giấy là hoàn toàn có. Vé điện tử về lý thuyết đâu đó vẫn có, nhưng cơ bản là loại bỏ được tình trạng này. Trên thực tế việc đầu cơ cũng khó.
Không nhằm tiết kiệm chi phí
Phương án này sẽ giúp hãng cắt giảm chi phí bao nhiêu trong một năm?
Tiết kiệm chi phí chỉ là một phần trong lợi ích của vé điện tử, nhưng không phải là căn bản. Tôi xin khẳng định, mục đích triển khai vé điện tử của hãng không nhằm tiết kiệm chi phí.
Tất nhiên, chi phí cho vé máy bay sẽ giảm bởi vé điện tử bớt đi những chi phí cho nhà sản xuất, như in ấn, phát hành, bảo quản. Khi vé điện tử tiến hành bán qua internet thì giúp giảm các chi phí phân phối, các phương tiện trung gian, sau đó là các công tác xử lý dữ liệu, đối với việc xử lý dữ liệu từ 5 - 7 ngày thì việc này sẽ làm giảm chi phi tài chính.
Tiếp đó nó còn là một công cụ để hỗ trợ, phục vụ khách hàng tốt hơn, có thể nâng được thị phần, nâng được hình ảnh. Vì thế về chi phí có thể nhìn thấy được là giảm 1,2 USD so với vé giấy, nhưng đó chỉ là con số chung với cái nhìn tổng quan.
Nếu tìm hiểu cụ thể hơn thì ở thị trường phát triển chi phí về nhân lực lớn hơn nhiều. Ở những thị trường như Trung Quốc thì chi phí đó lại nhỏ vì thế nếu giai đoạn đầu mà đầu tư cho vé điện tử thì hãng hàng không phải bỏ thêm chi phí vào đó.
Hiện Bộ Tài chính vẫn chưa có quyết định chấp nhận phiếu thu là hóa đơn hợp lệ, trong khi Vietnam Airlines vẫn triển khai việc bán vé điện tử. Như vậy liệu kết quả thực hiện có nửa vời?
Chúng tôi đã báo cáo với Bộ Tài chính về việc này. Bộ đã có dự thảo văn bản, đang xin ý kiến các bộ, ngành về việc có chấp nhận phiếu thu là hoá đơn hợp lệ hay không.
Thông thường, việc thanh toán hoá đơn thường qua hai cách: hành khách phải giữ lại cuống vé máy bay (boarding pass). Trong hành trình bay ngắn, việc này có thể được nhưng sẽ bất tiện trong các chặng bay dài. Cách thứ hai, khi triển khai bán vé điện tử, hành khách mua vé sẽ nhận được một tờ hành trình/phiếu thu có dấu chứng nhận của Vietnam Airlines. Đây sẽ là chứng từ thanh toán tương đương với hóa đơn đỏ.
Trước mắt sẽ thực hiện như thế nào vì từ bây giờ cho đến khi Bộ Tài chính có quyết định thì rất lâu?
Thủ tục thanh toán hiện nay đối với vé giấy là sử dụng tờ vé cộng với phiếu thu tiền để thanh toán. Phiếu thu tiền cho vé điện tử hiện nay đã có, đã được đăng ký với Tổng cục Thuế với những đặc thù riêng và được Tổng cục chấp nhận.
Trong thời gian tới, trong tiến trình thực hiện chúng tôi cũng sẽ có những văn bản đối với các cơ quan hữu quan đề nghị việc có chấp nhận phiếu thu là hoá đơn hợp lệ hay không. Nếu được chấp nhận, khi triển khai bán vé điện tử, hành khách mua vé sẽ nhận được một tờ hành trình/phiếu thu có dấu chứng nhận của Vietnam Airlines.
Đây sẽ là chứng từ thanh toán tương đương với hoá đơn đỏ.
Chưa khuyến mãi
Vietnam Airlines có chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng loại vé máy bay điện tử hay không?
Quan điểm của chúng tôi là thời điểm này chưa có bất kỳ hình thức khuyến mãi, giảm giá nào đối với loại vé điện tử. Mục đích chính vẫn là để người dân quen và thấy được sự tiện lợi của loại hình vé này, đặc biệt rút ngắn thời gian đáng kể khi phải thay đổi hành trình cũng như được phục vụ nhanh hơn ở sân bay.
Theo tôi biết, tại nhiều hãng hàng không khác trên thế giới, hành khách khi mua vé giấy còn phải trả thêm 14 - 25 USD hoặc Euro/vé.
Khi nào thì hành khách có thể đặt vé qua Internet, nhất là trong trường hợp mất vé họ có thể tự truy cập mạng mà không phải mất công đến tận đại lý, thưa ông?
Việc cung cấp thông tin cho khách hàng qua web là một trong những yêu cầu bắt buộc khi triển khai thương mại điện tử. Ví như, muốn tìm thông tin khi bị mất vé, hành khách có thể truy cập online để in lại mà không mất công tới các đại lý. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý như tài chính, thuế... cũng dễ dàng kiểm soát hơn.
Song, đến thời điểm này, website của Vietnam Airlines vẫn đang trong thời gian nâng cấp.
Vietnam Airlines dự định khi nào hoàn tất việc thử nghiệm triển khai bán vé máy bay điện tử?
Mục tiêu thử nghiệm là xem phản ứng của thị trường với việc phát triển này; thứ hai xem việc thực hiện từ việc bán vé đến việc phục vụ khách ở sân bay; thứ 3 là xử lý các thông tin về tài chính. Chương trình thử nghiệm phụ thuộc vào phản ứng của thị trường, vào việc kết hợp với sân bay nên không thể nói là trong 2 - 3 tháng là được.
Quan điểm của hãng là sau khi đưa vào thử nghiệm, trên cơ sở tổng kết hãng sẽ quyết định mở rộng dần việc bán vé điện tử. Tuy nhiên, vé máy bay giấy vẫn được sử dụng song hành cùng vé điện tử. Kể cả khi vé điện tử đã được sử dụng chính thức và rộng rãi, vé giấy vẫn được dùng trong thời gian nhất định, thường là sẽ kéo dài nhiều năm. Điều đó đảm bảo tiện lợi cho hành khách và đảm bảo khai thác tối đa thương mại, đáp ứng thực tế về kỹ thuật và thương mại.
Triển khai vé điện tử sẽ rất thuận tiện cho hành khách và giúp Vietnam Airlines khai thác tối đa hiệu quả thương mại. Tại các hãng hàng không Đức, Pháp, Nhật có tới 60 - 80% là vé điện tử. Cùng với việc mở rộng bán vé điện tử và phát triển bán trực tiếp cho khách qua Internet, Vietnam Airlines hy vọng số người sử dụng loại vé này sẽ tăng cao.
Theo Thùy Trang
Vneconomy