Vietnam Airlines chính thức nắm cổ phần Jetstar Pacific từ SCIC
(Dân trí) - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)đã chính thức công bố tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Văn bản bàn giao quyền đại diện đã được ký kết hôm nay (21/2).
Vietnam Airlines đã tiếp nhận Jetstar Pacific và là đại diện vốn Nhà nước của hãng này
Cùng với việc đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines với Tập đoàn Qantas - Úc (Công ty mẹ của Tập đoàn Jetstar), Vietnam Airlines đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Jetstar Pacific với tỷ lệ nắm giữ cổ phần là 69, 93%. Tập đoàn Qantas của Úc là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ vốn góp 27%. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ bán cho Qantas Airways 3% cổ phần theo thỏa thuận trước đây giữa Qantas Airways với SCIC đã được Chính phủ thông qua.
Được biết, Jetstar Pacific sẽ được rót khoản vốn ban đầu 25 triệu đô la Úc để đổi mới đội máy bay Boeing 737 hiện tại sang đội bay Airbus A320 mới vào giữa năm 2012, cũng như mở rộng đội bay của hãng lên 15 chiếc trong thời gian tới.Theo đó, Jetstar Pacific sẽ tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến đường bay nội địa, đường bay quốc tế có dung lượng lớn và phân khúc thị trường khách hàng đa dạng.
Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng việc các cổ đông của Jetstar Pacific đạt được thỏa thuận về kế hoạch phát triển theo hướng kết hợp ưu điểm của mô hình hãng hàng không giá rẻ với tiềm lực và nền tảng kinh nghiệm của Vietnam Airlines sẽ tạo nên sức sống mới cho Jetstar Pacific và mang lại cho khách hàng của hãng thêm nhiều lợi ích, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam nói chung.
Còn đại diện Jetstar Group là Tổng Giám đốc Bruce Buchanan tin tưởng quan hệ hợp tác giữa một hãng hàng không chi phí thấp và một hãng hàng không truyền thống sẽ tiếp nối thành công của mô hình hợp tác giữa Qantas và Jetstar tại Úc. Ông Bruce Buchanan cũng nhận thấy những dấu hiệu tích cực để có thể tạo ra phân thị khách hàng mới sử dụng dịch vụ hàng không tại Châu Á, kể cả tại Việt Nam do sự hiện diện của hàng không giá rẻ còn mờ nhạt.
Trước đó, hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ trong nhiều nhưng Jetstar Pacific khai thác không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Dù đã thực hiện tái cơ cấu Jetstar Pacific nhưng tình hình cũng không mấy khả quan, vì thế để giải quyết khó khăn hiện nay của Jetstar Pacific thì sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp là việc cần thiết.
Liên tiếp trong nhiều phiên họp họp bàn, đại diện cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific là SCIC đã báo cáo Thủ tướng về phương án chuyển giao vốn Nhà nước của Jetstar Pacific vào Vietnam Airlines được cho là khả thi nhất.
Đến trung tuần tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định điều chuyển nguyên trạng quyền đại diện vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific đang do SCIC nắm giữ sang Vietnam Airlines, việc điều chuyển vào thời điểm đó dự kiến sẽ hoàn tất trước ngày 15/2.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, với việc chuyển giao vốn này thì Vietnam Airlines chỉ nắm giữ về phần vốn và cử đại diện sang Jetstar Pacific tham gia vào Hội đồng Quản trị để điều hành quản lý chứ không phải là chuyển toàn bộ Jetstar Pacific về Vietnam Airlines, cũng không phải Jetstar Pacific sẽ trực thuộc Vietnam Airlines. Điều này có nghĩa là sau khi điều chuyển vốn thì Jetstar Pacific vẫn là 1 doanh nghiệp kinh doanh độc lập trong lĩnh vực hàng không và tiếp tục hoạt động trong phân khúc thị trường hàng không giá rẻ.
Quỳnh Anh