Vietcombank vẫn úp mở kế hoạch sáp nhập
(Dân trí) - Mặc dù việc sáp nhập SaigonBank vào Vietcombank đã được Thống đốc NHNN đề cập hồi tháng 1/2015 song Vietcombank vẫn từ chối chính thức tiết lộ tên ngân hàng mục tiêu và cho biết, đang trong quá trình đàm phán và chưa nhận được sự chấp thuận chính thức từ NHNN.
Hoạt động thực hiện sáp nhập của Vietcombank là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng trong năm 2015
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * 100% DN được thanh tra vi phạm pháp luật BHXH, BHYT * Vietcombank vẫn úp mở kế hoạch sáp nhập * Lạ đời những kiểu tuyển dụng gây sốc! * Giá vàng tuần tới phụ thuộc số liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc |
Việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vào VCB đã được thảo luận rộng rãi trên thị trường từ cuối năm ngoái và đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về mặt chủ trương vào tháng 1/2015. Tuy nhiên, tại cuộc họp vừa rồi, VCB đã từ chối chính thức tiết lộ tên ngân hàng mục tiêu.
Lý do được cho biết vì VCB vẫn đang trong quá trình thảo luận và đàm phán với ngân hàng này và chưa nhận được sự chấp thuận chính thức từ NHNN. VCB cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp mở rộng mạng lưới, cơ sở khách hàng và tài sản cố định của ngân hàng.
Liên quan đến tác động của Thông tư 36 đối với sở hữu liên ngân hàng, hiện VCB đang sở hữu cổ phần tại 4 tổ chức tín dụng khác là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (8,19%); Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (9,59%); Saigonbank (4,3%) và Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB (5,06%).
Nhằm giảm thiểu sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, Thông tư 36 chỉ cho phép các ngân hàng sở hữu cổ phần tại không quá 2 ngân hàng khác và không nhiều hơn 5% tại mỗi ngân hàng.
Theo đó, VCB sẽ phải thoái vốn một phần hoặc toàn phần khỏi các ngân hàng này trong năm nay. VCB cho biết, ngân hàng đang trong quá trình xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để được miễn thực hiện các các quy định nêu trên. Mặc dù vậy, ngân hàng đã chuẩn bị lộ trình thoái vốn.
Nhìn chung, kết quả hoạt động của VCB tương đối khả quan với tỷ lệ nợ xấu nằm trong tầm kiểm soát, thấp hơn 2,5%. Ngân hàng đứng thứ ba về tổng tài sản, thứ hai về vốn chủ sở hữu và thứ ba về lợi nhuận sau thuế. Mặc dù đạt chỉ tiêu năm 2014 song mục tiêu đề ra cho năm 2015 của VCB dường như có phần thận trọng.
Trong quý I/2015, các khoản cho vay khách hàng của VCB đạt 330.769 tỷ đồng, tăng 2,3% và tiền gửi khách hàng đạt 438.248 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ, 5,2% xuống 1.422 tỷ đồng từ 1.500 tỷ đồng vào năm 2013.
Theo VCB, việc áp dụng Thông tư 09 có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ 2,31% lên 3,31% trong quý I/2015, tuy nhiên, ngân hàng vẫn đặt mục tiêu kiềm chế tỷ lệ nợ xấu ở dưới ngưỡng 2,5% vào năm 2015. Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu đã tăng nhẹ trong quý I/2015, đạt 2,6%, vẫn được kiểm soát dưới ngưỡng 3%, do đó, VCB không có nghĩa vụ phải bán nợ xấu cho VAMC.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của phân khúc cho vay cá nhân thấp nhất, ở mức 0,6%. Tỷ lệ nợ xấu của phân khúc cho vay FDI là 1%, cho doanh nghiệp nhà nước là 0,4% và cho DNVVN là 5%.
Ngành có tỷ lệ nợ xấu cao nhất bao gồm công nghiệp lắp ráp ô tô (8%), dịch vụ hỗ trợ, sản xuất và chế biến gỗ và giấy, giao thông vận tải và vật liệu thép.
Mai Chi