1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam tìm lại vị trí đầu tư số 1 tại Lào

Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào Lào trước sự đổ tiền ồ ạt của Trung Quốc và Thái Lan vào nước này.

Với 6 dự án trị giá 410 triệu USD được cấp phép, cùng các biên bản ghi nhớ tổng giá trị 750 triệu USD trong 2 ngày diễn ra Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào tại thủ đô Vientiane ngày 9 – 10/9, Việt Nam đang tìm lại vị trí đầu tư số 1 tại Lào trước sự cạnh tranh của Trung Quốc và Thái Lan.

 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) sang Lào đang gia tăng. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là một trong những nước đứng đầu về đầu tư tại Lào. Đến nay, vốn đầu tư vào Lào đạt trên 3,3 tỉ USD với 203 dự án, cao nhất trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các DN Việt Nam có hoạt động đầu tư. Riêng 8 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư đăng ký của các DN đạt 469 triệu USD, cao hơn cả năm 2010.

 

Việt Nam tìm lại vị trí đầu tư số 1 tại Lào - 1
Nông trường cao su do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại tỉnh Attapư, Lào.

 

Sau khi đứng ở vị trí dẫn đầu vào 2009 và 2010, Việt Nam tụt lại về đầu tư vào Lào so với Trung Quốc và Thái Lan. Nhưng với tốc độ “tấn công” nhanh và mạnh dạn của các DN trong năm 2011 vào các dự án năng lượng, khoáng sản, trồng cây công nghiệp, viễn thông, ngân hàng…, Việt Nam đang dần lấy lại vị thế của nước đầu tư lớn vào quốc gia này.

 

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), cho biết với số vốn đầu tư khoảng 3,3 tỉ USD hiện Việt Nam chiếm tỷ trọng 25% trong tổng số 12,2 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Lào. Riêng tại hội nghị lần này có 12 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư, ký ghi nhớ với tổng trị giá 750 triệu USD.

 

Chính sách khuyến khích đầu tư ổn định

 

Kể từ năm 1993 đến nay, với sự hợp tác tích cực của hai quốc gia, các DN tại Việt Nam đã đạt được nhiều “hoa thơm, trái ngọt” trên đất Lào.

 

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của Bộ KH-ĐT nước bạn, đã có 79 DN hoạt động tại Lào có hiệu quả cao, đặc biệt luôn quan tâm tới hoạt động vì cộng đồng như BIDV và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Trong đó, nổi bật như HAGL với các dự án thủy điện, cao su có tổng mức vốn lên tới hơn 1 tỉ USD, Tập đoàn Cao su Việt Nam với hàng chục nghìn ha cao su… Đặc biệt, dự án rất lớn về quy mô sân Golf Long Thành và bất động sản đi kèm tại Vientiane  tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ USD.

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, PV Oil đã tham gia đấu thầu mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Shell Du Laos (Shell Laos) từ Shell vào cuối năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2010.

 

“Chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ Lào ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài như PV Oil hoạt động rất hiệu quả”, ông Sơn nói. Tháng 4.2011, PV Oil cũng đã thành lập Công ty TNHH một thành viên xăng dầu - dầu khí Lào (PV Oil Lao), do PV Oil đầu tư 100% vốn.

 

Nếu các nhà đầu tư Việt Nam không nhanh chân, cơ hội ở Lào sẽ thuộc về Trung Quốc, Thái Lan, Nga. Thuận lợi đầu tư ở đây là rất lớn vì giàu tài nguyên thiên nhiên; 50% cán bộ Lào có thể nói tiếng Việt; có chung đường biên giới, dễ dàng nhập khẩu máy móc thiết bị; thuế thấp; giá cả hàng hóa rẻ…

 

Một thành viên khác của PetroVietnam là Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cũng tham gia đầu tư tại Lào từ năm 2009 với hai dự án thăm dò dầu khí tại lô Champasak & Saravan và lô Savanakhet.

 

Ngoài ra, ông Dương Văn Hòa, Phó TGĐ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, Vinacomin đang tập trung vào lĩnh vực thăm dò khai khoáng tại Lào với 3 dự án lớn là mỏ muối Savanakhet, mỏ than tại Luông Nậm Thà và Sê Kông. Các dự án này đã hoàn tất công tác thăm dò, đang chuyển sang giai đoạn lập dự án đầu tư.

 

Cũng theo ông Hòa, hiện Vinacomin đang tập trung triển khai các dự án đã được cấp phép, nhưng với tiềm năng lớn, và chính sách thuận lợi, ổn định của Chính phủ Lào, Vinacomin sẽ tính đến việc mở rộng quy mô đầu tư tại Lào trong tương lai.

 

Cơ hội đầu tư dài hạn

 

Vừa trở về TP.HCM sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Trần Hùng Việt, TGĐ Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ phát triển lữ hành với Lào thông qua việc đưa du khách qua lại giữa hai nước. Sau đó có thể sẽ mở chi nhánh lữ hành ở Lào để tạo nguồn khách và đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc nhà hàng”.

 

“Lào là đất nước yên bình, người dân thân thiện; các thắng cảnh du lịch tuyệt đẹp, phù hợp với du lịch sinh thái. Du khách nước ngoài tìm đến Lào ngày càng đông, chắc chắn trong tương lai sẽ trở thành một điểm đến lớn”, ông Việt nói thêm.

 

Saigontourist cũng đang tham gia vào một dự án trồng cao su do Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM làm chủ đầu tư, cùng các DN lớn của TPHCM. Dự án này có tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng, tổng diện tích 6.000 ha ở hai tỉnh Champasak và Attapư; giai đoạn 2008 - 2010 đã trồng được 2.630 ha, năm 2011 trồng thêm 2.000 ha và dự kiến năm 2012 sẽ hoàn thành dự án.

 

Theo ông Huỳnh Văn Khiết, Giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk (Dakruco), tháng 12.2004 tại bản Thaluong, huyện Pakse, tỉnh Champasak (Lào), Công ty TNHH cao su Đắk Lắk chính thức thành lập. Đây là đơn vị đại diện cho chủ đầu tư Dakruco thực hiện dự án phát triển 10.000 ha cao su và các cây công nghiệp khác (điều, cà phê) tại 4 tỉnh Nam Lào, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 30 triệu USD (nay đã được cấp phép bổ sung lên 50 triệu USD). Hiện nay, vốn thực hiện của dự án đạt hơn 34 triệu USD, chiếm trên 61% tổng nguồn vốn của dự án.

 

Tập đoàn HAGL có dự án trồng 15.000 ha cao su ở Lào với tổng vốn 1.500 tỉ đồng, đã trồng được hơn 10.000 ha và tạo việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương và khoảng 500 lao động Việt Nam.

 

HAGL còn triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê tại thủ đô Vientiane (20 triệu USD); đầu tư 100 triệu USD khảo sát, lập dự án xây dựng công trình thủy điện và khai thác mỏ sắt, đồng tại Nam Lào.

 

Riêng giai đoạn 2011 - 2012, công ty sẽ xây dựng các nhà máy chế biến và sản xuất sản phẩm từ cây cao su để tạo thêm giá trị gia tăng cho cây cao su ngay tại đất Lào.

 

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, nhận định: “Nếu các nhà đầu tư Việt Nam không nhanh chân, cơ hội ở Lào sẽ thuộc về Trung Quốc, Thái Lan, Nga. Thuận lợi đầu tư ở đây là rất lớn vì giàu tài nguyên thiên nhiên; 50% cán bộ Lào có thể nói tiếng Việt; có chung đường biên giới, dễ dàng nhập khẩu máy móc thiết bị; thuế thấp; giá cả hàng hóa rẻ… Nói chung, đầu tư ở Lào phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, không có chỗ cho ngắn hạn”.

Theo Anh Vũ - Mai Hà - N.Trần Tâm
 Thanh Niên