Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn

(Dân trí) - “Vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ tiếp tục vào Việt Nam và Nhật vẫn được khẳng định là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam”, đại diện Ngân hàng Sumitomo chia sẻ tại hội thảo Tình hình kinh tế thế giới và tác động tới Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn - 1
Với Nhật Bản, thị trường Việt Nam luôn đầy cơ hội làm ăn.
 
Bước chân của khách hàng châu Á
 
Theo đánh giá của các chuyên gia cao cấp từ những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới, “thời kỳ đen tối” nhất của kinh tế thế giới gần như đã lùi lại đằng sau. Mặc dù còn nhiều lo ngại, nhưng sự hồi phục kinh tế đang được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và tài khóa thông thoáng hơn. Những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế thế giới.
 
Ông Seiji Kawazoe, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Sumitomo cho rằng, kinh tế thế giới đang xuất hiện 3 nguồn lực mới. Trong khi nền kinh tế các nước châu Á tiếp tục tăng trưởng mạnh thì các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật lại có sức bật yếu hơn. Với môi trường lãi suất tích cực, xu thế này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới.
 
Bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc đã trở thành một “quyền lực” mới ở châu Á. Nhật đã và đang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và điều này sẽ khiến cho trao đổi mậu dịch liên khu vực sẽ tăng trong thời gian tới; còn các nước châu Âu chủ yếu hoạt động mậu dịch nội khối và phần doanh thu từ nước ngoài tiếp tục tăng trong khu vực sản xuất.
 
“Chính những nguồn lực mới này đã tạo ra những chuyển biến đáng kể. Xuất khẩu sang các nước châu Á tăng trong những năm gần đây. Các nhà xuất khẩu Nhật có lợi từ sự tăng trưởng mạnh của châu Á. Động lực chính của sự phát triển kinh tế chung là sự hình thành vốn.
 
Ban đầu từ ODA và FDI, gần đây từ cả chi tiêu vốn công cộng và vốn tư nhân. Trung Quốc đang trở thành một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của châu Á, nhưng chúng ta đang trông đợi vào sự chuyển đổi từ vốn đầu tư sang người tiêu dùng làm động lực chính của nền kinh tế”, ông Seiji Kawazoe nhấn mạnh.
 
Còn theo đánh giá của ông Prasenjit K.Basu, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư Daiwa: “Xuất khẩu của châu Á năm 2010 sẽ tăng mạnh nhất trong vòng 20 năm do cầu nội bộ trong các nước đang phát triển sẽ kích thích cầu xuất khẩu của khu vực. Tốc độ tăng trưởng trong năm tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ dựa chủ yếu vào nhu cầu nội bộ trong các nước đang phát triển”.
 
Việt Nam cần cái nhìn dài hơi về đầu tư
 
Là một thành viên trong khu vực châu Á, Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Theo ông Seiji Kawazoe, “Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư và Nhật là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Trong 10 năm (1998 - 2008) tổng số vốn các nhà đầu tư Nhật Bản đã đổ vào Việt Nam đạt 17.362 triệu USD, xếp thứ 3, chỉ sau Đài Loan và Malayxia.
 
Các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần có cái nhìn dài hạn hơn về đầu tư”. Bởi với 5 lợi thế nổi bật như: nguồn lao động trẻ, cần cù và cầu tiến; nền chính trị, xã hội ổn định; hướng tới chính sách mở cửa đầu tư; vị trí địa lý thuận lợi; mật độ dân số đông, Việt Nam có triển vọng trở thành một nền kinh tế tăng trưởng hữu cơ trong tương lai.
 
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cải thiện hơn nữa những bất lợi như: thay đổi trong quy định, chính sách nhà nước; các dịch vụ tiện ích (đặc biệt là điện); hoạt động kinh doanh; thiếu các ngành công nghiệp hạ nguồn; lao động lành nghề còn hạn chế và tính cạnh tranh trong khu vực.
 
Cũng cùng nhận định trên, đại diện Ngân hàng Đầu tư Daiwa cho biết thêm: “Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng của các tập đoàn đa quốc gia (MNCs), đặc biệt là MNCs châu Á và chúng tôi cho rằng những bất lợi về kinh tế vĩ mô không làm mất đi tính hấp dẫn của thị trường này.
 
Dòng vốn FDI nhanh chóng hồi phục trong quý 2 - 3 năm 2009 (trên 10% GDP), chúng tôi dự đoán tỷ lệ này sẽ ổn định ở 8% - 10% GDP trong trung hạn và đây sẽ là một nguồn hỗ trợ cân bằng đối ngoại quan trọng”.
 
An Hạ