Việt Nam tiếp nối Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới

Những nhà đầu tư không hiểu Việt Nam và người lao động Việt Nam sẽ không thể kinh doanh thành công. Chỉ có nhà đầu tư nào hiểu được chiếc xe máy với người lao động Việt Nam là công cụ thiết yếu thì mới có thể kinh doanh thành công được.

Kênh thông tin tài chính lớn Bloomberg vừa có bài viết nhận định về xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam của tác giả Andy Mukherjee|.

Con số 4 triệu xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh phần nào là minh chứng cho sự phồn thịnh đang lên tại Việt Nam. Một chiếc xe máy Honda trị giá 900 đôla không hẳn là lớn, tuy nhiên tại đất nước Đông Nam Á đang trong thời khắc chuyển mình này, đó là cả một gia tài lớn.

Ngày ngày hàng nghìn người lao động, trong số đó rất nhiều người nhập cư từ các tỉnh xa, đầy tự hào đi đến chỗ làm việc trên những chiếc xe máy mua được bằng mồ hôi công sức.

Những chiếc xe máy này quan trọng với họ đến nỗi nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã bắt đầu mua bảo hiểm phương tiện cho nhân viên của mình.

Những nhà đầu tư không hiểu Việt Nam và người lao động Việt Nam sẽ không thể kinh doanh thành công. Chỉ có nhà đầu tư nào hiểu được chiếc xe máy với người lao động Việt Nam là công cụ thiết yếu  thì mới có thể kinh doanh thành công được. Họ cần để lao động cho bản thân họ và gia đình họ, hơn hết là đưa đất nước họ gia nhập dây chuyền cung cấp sản phẩm toàn cầu,Sau Trung Quốc, Việt Nam đang ngày một lớn mạnh lên như công xưởng mới của thế giới.

Điều này có thể thấy rõ ở sự chuyển hướng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, gạo và cafê là hai mặt hàng xuất khẩu chủ đạo thì nay dệt may lại dần trở thành đối trọng xuất khẩu trong nền kinh tế với GDP trị giá 61 tỷ đôla này. Mặt hàng giày dép ngày càng khẳng định vị thế xuất khẩu so với hải sản.

Ngành nội thất đang lớn mạnh

Một trong những ngành xuất khẩu đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam là nội thất.

Doanh thu của các sản phẩm xuất khẩu từ gỗ đã tăng 24% so với năm ngoái, doanh thu năm nay hiện ước tính khoảng 2 tỷ đô.

James Koh, một doanh nhân Singapore, là chủ doanh nghiệp sản xuất bàn ăn và ghế ở Việt Nam và xuất khẩu đi toàn thế giới. Trong hệ thống phân phối sản phẩm của công ty này, có chuỗi cửa hàng Williams-Sonoma Inc.'s Pottery Barn – nhà phân phối sản phẩm nội thất lớn tại thị trường Mỹ và Canada.

Ông Koh còn là giám đốc điều hành của một số nhà máy tại Malaysia và Trung Quốc. Và theo ông, chi phí lao động tại Việt Nam rẻ bằng một nửa tại Trung Quốc và đó là lý do công ty của ông quyết định tăng năng suất ở đây thêm 25%. Ngay cả năm sau khi nhà nước quyết định tăng lương tối thiểu cho nhân viên công ty có vốn đầu tư nước ngoài lên 1 triệu đồng thì chi phí lao động khi đó vẫn hết sức hợp lý.

Sẵn sàng cạnh tranh

Trong 6 tháng qua, các mặt hàng có xuất xứ tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên đắt đỏ tại thị trường Mỹ . Đây chính là điều kiện thuận lợi để các nhà xuất khẩu Việt Nam giành giật thị phần tại thị trường xuất khẩu lớn nhất này.

Việc Việt Nam gia nhập WTO đã mang lại cho ngành dệt may một hạn ngạch không hạn chế vào thị trường Mỹ. Việc gia nhập WTO đồng thời cũng thu hút thêm nhiều vốn đầu tư vào Việt Nam, cụ thể, cam kết đầu tư nước ngoài đến nay đã là 13 tỷ đô.

Sức hút lớn nhất của Việt Nam chính là lực lượng lao động. Độ tuổi trung bình của lao động Việt Nam là 25 tuổi. Lực lượng lao động trẻ, có học thức và sức khỏe. Lực lượng lao động với sức khỏe yếu trong vòng 3 thập kỷ qua đã giảm đi một nửa.

Một thách thức với Việt Nam hiện nay là tình trạng lạm phát, tháng vừa qua tỷ lệ lạm phát là gần 10%, tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 năm.

Lạm phát-thách thức lớn cho Việt Nam

Trước mắt, Việt Nam phải kìm hãm bớt tốc độ phát triển kinh tế để kiềm chế giá cả đang leo thang, đặc biệt là giá vật liệu xây dựng.

Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, lạm phát sẽ làm hạn chế tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ngay cả khi Ngân hàng Trung Ương không muốn tiền đồng mất giá.

Nhìn chung, hiện nay Việt Nam đang trên đà phát triển.

Chuỗi cửa hàng xa xỉ của Louis Vuitton và Gucci tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy có phần hơi quá xa vời đối với phần đông dân số của một nước với thu nhập bình quân đầu người năm 2006 là 723 đôla, nhưng thể hiện phần nào nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Thị trường tại đây sẽ phát triển nhanh đến mức không ngờ tới.

Với tổng dân số 85 triệu dân, và với nền kinh tế được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ước tính tăng trưởng khoảng 8% năm nay và năm sau , đất nước Đông Nam Á này sẽ có một thị trường nội địa lớn.

Và nay, cơ hội phát triển cho Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Tuy nhiên Việt Nam phải liên tục đi lên, chiến thắng không dành cho những ai tự thỏa mãn với chính mình.

Chi phí lao động rẻ sẽ giúp cho một đất nước có thể nhanh chóng gia nhập dây chuyền cung cấp sản phẩm toàn cầu, tuy nhiên đất nước đó phải thật sự nỗ lực để tồn tại trong dây chuyền đó.

Những khó khăn cần vượt qua

Trình độ công nghệ ở Việt Nam còn rất thấp, ngay cả một việc vô cùng giản đơn như lắp hoàn chỉnh một chiếc ghế bốn chân và vận chuyển sang Mỹ cùng không thể hoàn thành được nếu như không có đầu tư vốn và công nghệ của nước ngoài.

Thứ nhất, hiện nay sự lạc hậu về công nghệ là cản trở rất lớn khiến cho các doanh nghiệp không thể dành được các hợp đồng lớn. Mỗi dây chuyền lắp đặt tự động mà công ty Koda lắp đặt tại Việt Nam có giá khoảng 300 nghìn đô tương đương hơn 5 tỷ đồng Việt Nam.

Thứ hai, người tiêu dùng châu Âu yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường từ nhà sản xuất, ví dụ việc sử dụng bao bì đóng gói ở mức tối thiểu. Người tiêu dùng Mỹ lại chỉ muốn tiêu thụ sản phẩm có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa loại trừ khủng bố. Quan trọng nhất, không người tiêu dùng nào ở châu Âu hay Mỹ muốn nghe thông tin về bóc lột lao động từ nhà sản xuất.

Cũng giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam hiện đang phải đương đầu với tệ nan quan liêu và tham nhũng. Việt Nam cần phải cố gắng cải thiện tình trạng này để thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài đủ để biến chiếc xe máy hiện tại của người lao động thành chiếc ô tô trong tương lai.

Theo Ngọc Diệp