Việt Nam tăng nhập than với giá đắt đỏ từ nhiều quốc gia
(Dân trí) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm Việt Nam đã phải nhập hơn 17,3 triệu tấn than từ các nước với giá cả đắt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Lượng nhập than về Việt Nam 10 tháng qua đã tăng hơn 5,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017 và gần 6 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Giá than 10 tháng qua Việt Nam nhập về trung bình là 2,7 triệu đồng/tấn, đắt hơn 400.000 đồng/tấn so với giá nhập than 10 tháng 2017 (2,3 triệu đồng/tấn) và đắt hơn 1,2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ 2016 (1,5 triệu đồng/tấn).
Đáng nói, giá than ở hầu hết các thị trường mà Việt Nam nhập đều tăng mạnh, giá than nhập 10 tháng năm 2017 của Trung Quốc chỉ 4,6 triệu đồng/tấn thì hiện, giá than từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã đạt 7,9 triệu đồng/tấn, tăng hơn 3 triệu đồng/tấn.
Hiện, xét về lượng nhập than, Trung Quốc là đối tác cung ứng ít nhất cho Việt trong các đối tác lớn song có mức giá cực kỳ đắt đỏ, mức giá than Trung Quốc bán cho Việt Nam cao gần gấp 3 lần so với giá than nhập ở các thị trường thế giới.
Trong khi đó, Indonesia và Nga là hai đối tác nhập than lớn cho Việt Nam, than nhập từ Nga 10 tháng qua đạt gần 2 triệu tấn, mức giá vào khoảng 2,4 triệu đồng/tấn, tăng hơn 200.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, hầu hết các dòng than mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc cũng đều là loại than Antraxit và than cốc dùng để luyện gang thép. Các loại than nhập từ Nga và Indoesia chủ yếu là than cám, than tạp dùng cho phát điện hoặc phục vụ các nhà máy hóa chất, phân bón.Than Indonesia nhập về đạt 8,6 triệu tấn, mức giá 1,7 triệu đồng/tấn, đây là thị trường cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam và cũng là rẻ nhất. Tuy nhiên, hiện giá than từ Indonesia cũng tăng 200.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Với mức giá nêu trên, hiện giá than Trung Quốc đắt gấp 3,3 lần than nhập Nga và 4,6 lần so với than từ Indonesia.
Trong khi giá nhập than vào Việt Nam tăng mạnh, giá loại than xuất khẩu tốt nhất của Việt Nam cũng chỉ đạt 3 triệu đồng/tấn, đây chủ yếu là dòng than Antraxit có chất lượng cao ưu tiên dành cho xuất khẩu.
Với Tổng sơ đồ điện VII, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nhiệt điện chạy than, trong đó chủ yếu là các nhà máy mới được xây dựng ở Duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nguyễn Tuyền