Việt Nam sẽ trở thành “con rồng” châu Á trong 25 năm tới?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt được mốc 40.000 USD vào năm 2045.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hôm nay (5/11), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề cập tới tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 và dự báo kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, trước khi xảy ra đại dịch Covid, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, tức là đạt được ở mức cao của mục tiêu kế hoạch 5 năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ 18,6% vào đầu năm 2011 xuống còn 4%. Cán cân thương mại trong nhiều năm thì liên tục là thặng dư dương. Tỷ lệ bội chi ngân sách cũng đã giảm sâu từ 5,4% xuống 3,5% và kéo được nợ công từ mức sát kịch trần xuống 55% vào năm 2019.

Riêng năm 2020 là năm Covid, Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu trong khu vực về tăng trưởng kinh tế, là một trong những ngôi sao sáng của thế giới về mức tăng trưởng kinh tế dương.

Việt Nam sẽ trở thành “con rồng” châu Á trong 25 năm tới? - 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội (ảnh: Quốc Chính)

Vị đại biểu này cho rằng, trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn, từ nhân tai như thảm họa môi trường Formosa đến thiên tai như hạn hán, sạt lở, bão lũ, đại dịch Covid và bất lợi của kinh tế thế giới do chiến tranh thương mại, nhưng Việt Nam vẫn đạt được thành tựu như trên, điều đó cho phép Việt Nam có quyền ước mơ đến khát vọng năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Vấn đề là làm thế nào để khát vọng trên sẽ trở thành hiện thực? Để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển có 2 tiêu chí rất cơ bản, đó là: Chỉ số phát triển con người (HDI, hiện Việt Nam đạt 0,693) phải đạt từ 0,8 trở lên và mức thu nhập GDP phải đạt được trên 40.000 USD. Đáng nói, chỉ số HDI của Việt Nam được đánh giá vào nhóm cao, trong khi thu nhập quốc dân lại thấp.

“Như vậy, mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt được mốc 40.000 USD vào năm 2045. Về lý thuyết, nếu chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 đến 7%/năm thì cứ sau 10 năm, chúng ta có mức tăng lên gấp đôi” - ông Cương cho hay.

Theo phân tích của ông Cường, đến năm 2030 tính theo GDP đã được tính lại thì GDP bình quân đầu người cũng chỉ đạt được từ 7.000-8.000 USD, đến năm 2045 cũng chỉ có thể đạt được từ 20.000-25.000 USD. Như vậy, khoảng cách của Việt Nam với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia còn giãn cách.

“Theo kinh nghiệm của các nước, cất cánh trở thành những con rồng châu Á thì phải có một giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt đến 10%/1 năm dựa vào đầu tư, đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng” - ông Cường cho hay.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 cần phải tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. 

“Tôi rất đồng tình với ý tưởng của Hà Nội đề xuất xây dựng tuyến Metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc với mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đồng thời đây chính là cơ sở để thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt” - ông Cường nói và cho rằng có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài hoặc thậm chí có thể mua lại cả một dây chuyền công nghệ của nước ngoài để chúng ta phát triển trở thành người chủ trong chuỗi giá trị phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. 

Cũng cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân nếu được hỗ trợ của Chính phủ có thể thực hiện được những mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Cùng đó, cần phải ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, giúp “đặt chân” vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động để tạo ra được mức tăng trưởng đột phá. 

Vị đại biểu cho rằng phải huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển. Kinh nghiệm các nước, trải qua giai đoạn phát triển thành công cho thấy vấn đề không phải là Chính phủ đi tìm cách để làm, để hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu là phải làm thế nào để quản ný nợ công một cách có hiệu quả.

“Các nhà quản trị giỏi, không phải lấy người chỉ biết tiêu tiền của mình mà quan trọng là phải biết dùng tiền người khác để nó sinh sôi, nảy nở ngay trong tay mình. Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn là thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở đây đang giảm xuống một mức khá thấp” - ông Cường nhận định.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị cần phải nghĩ đến chiến lược đi huy động nguồn tiền bên ngoài vào để các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước vay để tự đầu tư, kinh doanh sẽ có hiệu quả hơn nhiều lần so với chúng ta dựa vào các nguồn vốn đầu tư FDI từ bên ngoài để tạo ra một sự cạnh tranh với chính sự phát triển của các doanh nghiệp và tập đoàn trong nước.