1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ?

(Dân trí) - Nội dung phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế đã được Chính phủ bàn bạc giữa bối cảnh tín nhiệm quốc gia đã được Moody's nâng lên hạng B1 kèm theo triển vọng ổn định.

Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ?
Trong hai lần phát hành trước, vốn huy động quốc tế thường được cho các tập đoàn nhà nước lớn vay lại.

Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cho biết, trong hai ngày làm việc (27-28/8), các thành viên Chính phủ đã thảo luận về phương án phát hành trái phiếu quốc tế Chính phủ.

Đây có thể sẽ là lần thứ 3 Chính phủ thực hiện huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế. Trước đó, vào năm 2005, Việt Nam từng huy động 750 triệu USD vốn quốc tế và năm 2010 là 1 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 28/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc phát hành trái phiếu quốc tế lần này "giống như một khoản vay đảo nợ".

Theo đó, "hiện nay chúng ta có khoản vay trên dưới 1 tỷ USD với lãi suất cao, bây giờ thấy có thể vay một khoản khác tương ứng như vậy với lãi suất thấp hơn nên Chính Phủ nhất trí thực hiện. Vay nợ mới không làm thay đổi số nợ nhưng lãi suất giảm sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho Chính phủ". Tuy nhiên, thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cũng như Bộ trưởng Nên không tiết lộ về khoản tiền dự kiến huy động từ đợt phát hành này.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu từ chối cho biết chi tiết hơn về nội dung này vì cho rằng đây "là vấn đề nghiệp vụ chuyên môn".

Theo Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013 - 2015, đề bù đắp bội chi ngân sách, Việt Nam sẽ cần vay nước ngoài 33.000 tỷ đồng trong năm 2014 và tăng lên 40.000 tỷ trong năm 2015.

Trong những lần huy động vốn quốc tế trước đó bằng trái phiếu Chính phủ, khoản tiền huy động về thường được cho các doanh nghiệp Nhà nước lớn vay lại. Chẳng hạn, trong lần vay đầu tiền, toàn bộ số trái phiếu trị giá 750 triệu USD đã được cho Vinashin vay lại, tuy nhiên, Vinashin lại gặp khó khăn trong công tác trả nợ.

Hồi tháng trước (29/7), Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service bất ngờ đưa ra thông báo nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam thêm 1 bậc (từ B2 lên B1) đi kèm với triển vọng ổn định. Theo nhận định của Moody's, cán cân thanh toán và vị thế trả nợ nước ngoài của Việt Nam đã được cải thiện thông qua việc đa dạng hóa cấu trúc xuất khẩu, hướng đến các sản phẩm thâm dụng vốn như điện thoại di động và hàng điện tử thay vì những sản phẩm thâm dụng lao động truyền thống như dệt may và giày dép.

Bên cạnh đó, cán cân vãng lai của Việt Nam đã chuyển từ trạng thái thâm hụt sang thặng dư. Dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục 35,9 tỷ USD. Tỷ giá cũng duy trì ở mức ổn định.

Việt Nam có thể sẽ được thăng hạng tín nhiệm nếu như sức khỏe của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cải thiện, xóa bỏ hoàn toàn rủi ro; ngân sách chính phủ giảm thâm hụt và đạt trạng thái ngang bằng với các quốc gia có mức xếp hạng cao hơn.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm