1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than từ 2013

(Dân trí) - Báo cáo của Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, hiện nhu cầu sử dụng than của cả nước chỉ chiếm 50% tổng lượng than khai thác được. Tuy nhiên, đến năm 2013 nước ta sẽ phải nhập khẩu than vì không đáp ứng nổi nhu cầu.

Tại hội thảo liên quan đến vấn đề than sạch hơn do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức tại Quảng Ninh, ông Trần Xuân Hoà, Tổng giám đốc Vinacomin cho biết, hiện cả nước sản xuất khoảng 40 triệu tấn than, lượng tiêu thụ trong nước chiếm 50% (số còn lại là xuất khẩu), trong đó riêng các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đã tiêu thụ đến 6 triệu tấn/năm. Đến năm 2020 nhu cầu về điện tại nước ta sẽ lên tới 20 triệu tấn than/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc sử dụng than trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là tại các NMNĐ đang rơi vào tình trạng lãng phí do sử dụng công nghệ lạc hậu.

Theo ông Trần Hồng Nguyên, Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), ngoài NMNĐ Phả Lại 2, nhiều NMNĐ khác như: than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại ... đều sử dụng thiết bị chế tạo từ những năm 70. Nhưng thiết bị này cho năng suất thấp nhưng mức độ tiêu hao nhiên liệu rất cao cao.

Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất điện năng tăng cao. Bên cạnh đó, các thiết bị lọc bụi của các NMNĐ kiểu cổ này còn thải ra môi trường lượng bụi rất lớn, gây hiệu ứng nhà kính và tác động đến quá trình biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, lượng khí thải và bụi từ việc đốt than trong các NMNĐ hiện nay chiếm trên 100.000 tấn/năm. Như vậy, chỉ riêng việc tiêu thụ 20 triệu tấn than/năm của các NMNĐ vào năm 2020 sẽ thải ra môi trường một khối lượng khổng lồ khí thải và bụi vào không khí.

Ông Trần Xuân Hòa cũng cho rằng, việc cải tiến công nghệ trong việc đốt than ở các NMNĐ không những làm giảm được lượng khí thải phát ra mà còn hạn chế được lãng phí, tiết kiệm nhiên liệu.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nguồn nguyên liệu than đang cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm không khí và các bệnh liên quan đến không khí bị ô nhiễm gia tăng.

P. Thanh