Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD thặng dư thương mại 2013?

(Dân trí) - Với việc cho rằng, trong năm nay, tăng trưởng nhanh hơn, lạm phát chậm lại thì Ngân hàng ADB cũng đưa ra dự báo thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013.

Họp báo ADB diễn ra sáng nay (ảnh BD).
Họp báo ADB diễn ra sáng nay (ảnh BD).

Tại phiên họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2013 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra sáng 9/4, tổ chức này đã đưa các dự báo khá lạc quan về kinh tế Việt Nam trong, đặc biệt khi cho rằng, trong khi tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDP) nhích lên thì tốc độ lạm phát sẽ chậm lại.

Cụ thể, qua các số liệu hiện tại và cân nhắc tới nhiều yếu tố khác, các chuyên gia ADB đánh giá, GDP Việt Nam năm 2013 sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trước khi tăng lên 5,6% trong năm 2014. Mức này cao hơn kết quả đạt được năm vừa rồi là 5%, mức thấp nhất trong 13 năm liên tục.

Kỳ vọng này không phải không có cơ sở khi trong quý đầu tiên, GDP Việt Nam đã tăng 4,9%, cao hơn so cùng kỳ năm trước. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) cho thấy sự cải thiện trong môi trường kinh doanh cũng đã có xu hướng tăng nhẹ do số đơn đặt hàng tăng lên.

Tất nhiên, để đạt được kết quả này, Việt Nam cần đạt những bước tiến nhất định trong việc củng cố khu vực ngân hàng.

Trong khi đó, lạm phát sẽ giảm nhẹ xuống mức 7,5% từ mức 9,2% của năm 2012 tính theo tỷ lệ trung bình hàng năm, trước khi tăng lên đến 8,2% trong năm 2014.

Dự báo này dựa trên giả định điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá hối đoái so với đồng tiền chung ổn định và các chính sách kích thích có kiềm chế.

Ngoài ra, cũng theo dự đoán của ADB, thặng dư thương mại dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay trước khi giảm nhẹ vào 2014 do nhập khẩu tăng tốc song song với tăng trưởng.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng ở Trung Quốc và một số thị trường khác trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Xuất khẩu hàng công nghiệp sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi các nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đi vào sản xuất. 

Mặc dù vậy, nhập khẩu cũng sẽ tăng do cầu trong nước đang dần hồi phục và sẽ là nguồn cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất định hướng xuất khẩu.

Trước báo giới, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng đặt ra lưu ý, sự phục hồi kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các chương trình cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cần có cách tiếp cận có tính chiến lược và chọn lọc hơn theo hướng cải cách cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, vì Chính phủ không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc.

“Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7-8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn” - Giám đốc quốc gia ADB nhấn mạnh.

Bích Diệp