Việt Nam sẽ có ít nhất 5 "đại bàng" tầm cỡ khu vực và thế giới

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết đó là nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 đối với các tập đoàn, tổng công ty mà "siêu ủy ban" này đang quản lý, đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) - vừa trình Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển doanh nghiệp thuộc Ủy ban, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Trong giai đoạn 2016-2020, về cơ bản các tập đoàn, tổng công ty đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Tổng vốn đầu tư các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện là 976.636 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu và huy động là 938.650 tỷ đồng, tổng giá trị vốn ngân sách Nhà nước là 37.986 tỷ đồng.

Những hạn chế, tồn tại cũng được "siêu ủy ban" thừa nhận trong quá trình các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị và thực hiện đầu tư.

"Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển đề ra; một số dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường, không đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả hoạt động của các DN Nhà nước" - ông Hoàng Anh cho hay.

Việt Nam sẽ có ít nhất 5 đại bàng tầm cỡ khu vực và thế giới - 1

Tập đoàn điện lực Việt Nam là một trong 19 tập đoàn, tổng công ty do UBQLVNN quản lý (Ảnh: EVN).

Theo Chủ tịch UBQLVNN, có những DN kể từ khi thành lập chưa có chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm. Hoạt động đầu tư của các DN chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết, hợp tác, tận dụng thế mạnh của các DN trong nhiều lĩnh vực để thực hiện dự án lớn, trọng điểm.

Ở trong nước, một số dự án chậm tiến độ dẫn đến ảnh hưởng về hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả.

"Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển của các DN trong thời gian qua còn nhiều bất cập; nhiều dự án, đặc biệt là các dự án nguồn điện, dầu khí chậm tiến độ do không huy động được các nguồn vốn đầu tư, DN chưa thu xếp được vốn" - Chủ tịch UBQLVNN nói.

Một vấn đề khác là cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN còn chậm theo quyết định của Thủ tướng. Trong giai đoạn từ 2017-2020, chỉ có 6 DN thuộc tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa cấp 2.

Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành công thương còn chậm, không đạt được mục tiêu đề ra. Đáng nói, theo Đề án 1468, đến hết năm 2018 phải xử lý căn bản các tồn tại và đến năm 2020 hoàn thành xử lý yếu kém của 12 dự án này.

Tham vọng trở thành "đại bàng"

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển các tập đoàn, tổng công ty để thể hiện vị trí của DN Nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác và làm nòng cốt, chủ đạo, tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập, mở rộng tầm ảnh hưởng, sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty có tiềm năng, lợi thế phát triển thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn, mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, có tính tự chủ, khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế ở 6 lĩnh vực: Năng lượng, công nghiệp, công nghệ hạ tầng, giao thông, nông nghiệp, tài chính.

"Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 5 tập đoàn, tổng công ty thuộc UBQLVNN trở thành các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế theo các tiêu chí quốc tế" - ông Nguyễn Hoàng Anh thông tin.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, từ 2021-2030 xác định củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Nêu giải pháp để thực hiện mục tiêu nói trên, Chủ tịch UBQLVNN cho biết cần phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và giải pháp về vốn.

Riêng về giải pháp vốn, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, tổng nhu cầu các tập đoàn, tổng công ty cần dự kiến khoảng hơn 1.523.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư được bố trí từ 2 nguồn: Một là cân đối trong khoản thu ngân sách Nhà nước từ cổ phần hóa, sắp xếp, thoái vốn Nhà nước đối với các DN do Ủy ban và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Hai là tích trữ từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu và Quỹ tập trung tại Ủy ban để tạo nguồn.

Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các nội dung chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN thuộc Ủy ban giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2035. Ông Hoàng Anh cho biết, đây là cơ sở để Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty và các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong thời gian tới.