Việt Nam nợ nước ngoài 20 tỉ USD

Ông Ajay Chhibber, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam đã cho biết như vậy tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ. Cùng với Nhật Bản và EU, WB là một trong những tổ chức tích cực cho Việt Nam vay nhiều tiền nhất.

Năm ngoái các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam vay khoảng 4,4 tỉ USD. Hiện nay Việt Nam đang nợ các nhà tài trợ bao nhiêu tiền, thưa ông ?

Tôi không thể đưa con số chính xác được vì Việt Nam vay cả bằng đồng yen và euro mà tỉ giá hai loại tiền này đang tăng lên hàng ngày so với USD. Nhưng ước lượng khoảng 20 tỉ USD.

Số nợ này không cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Nợ lại có lãi suất thấp nên số tiền trả nợ hàng năm không nhiều, chiếm khoảng 6% thu nhập từ xuất khẩu. Việt Nam đang có 20 tỉ USD dự trữ nữa, nên nợ nước ngoài không phải là vấn đề lớn ở Việt Nam hiện giờ.

Ở nhiều nước khác, dân chúng rất lo lắng khi chính phủ vay tiền nước ngoài, thậm chí còn có biểu tình. Ở Việt Nam dường như ít người biết về những khoản nợ này?

Các bạn đi đến các tỉnh thì sẽ thấy nhiều dự án đang được triển khai. Người dân các nước khác biểu tình khi họ thấy nợ tăng lên mà không thấy sự tăng trưởng. Họ không biết tiền vay đi đâu, có thể vào tay một số ít người tham nhũng, còn đa số người dân nghèo hơn, dịch vụ công cộng kém hơn.

Nhưng ở đây, bạn thấy Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất thế giới và nhiều người được hưởng lợi từ các dự án, cầu được xây, đường được mở. Các bạn đang ở vị trí ngược hẳn với những nước kia. 

Nhưng có nhiều lo lắng về tham nhũng trong các dự án dùng tiền vay, như vụ PMU 18, cũng dùng tiền của Ngân hàng thế giới?

Tất nhiên phải lo lắng về tham nhũng. Ngân hàng thế giới không dung thứ cho bất cứ hành động tham nhũng nào. Nhưng người ta không bỏ túi riêng hết tất cả tiền. Thậm chí ngay trong vụ PMU 18, khoản tiền bị tham nhũng cũng rất nhỏ so với tổng số tiền của dự án, phần lớn tiền vẫn được sử dụng cho dự án. Chúng ta phải công bằng khi xem xét vấn đề này.

Vậy những điều kiện của nhà tài trợ khi cho chính phủ Việt Nam vay tiền là gì ?

Tôi không gọi đó là điều kiện mà là một hợp đồng. Mỗi dự án như một hợp đồng. Chúng tôi bàn với chính phủ cách thực hiện các kế hoạch phát triển xã hội.

Chính phủ nói năm nay sẽ làm những điều này và các ông hãy giúp, xây dựng và nâng cấp 20-30 trường học chẳng hạn. Chính phủ nói chúng tôi sẽ thông qua những luật như thế này và chúng tôi nói hãy thông qua những luật thế này...

Nghe có vẻ giống điều kiện nhưng không phải. Mối quan hệ giữa chính phủ và các nhà tài trợ rất lành mạnh. Tôi nghĩ chính phủ rất quyết tâm đưa đất nước đi lên và công việc của chúng tôi là xúc tác cho điều đó xảy ra.

Hội nghị lần này có giúp chính phủ đưa ra quyết sách về lạm phát không?

Chúng tôi có bàn đến. Đây là vấn đề ngắn hạn nhưng được những người dân bình thường và cả những người làm chính sách quan tâm. Việt Nam đang làm rất tốt về tăng trưởng, đầu tư, xuất khẩu. Để giữ lợi thế cạnh tranh, Việt Nam phải giữ được giá trị tương đối thấp của tiền đồng so với đô la. Nhưng đô la đang mất giá nên làm lạm phát tăng cao hơn.

Lạm phát cũng bởi Việt Nam thu hút được rất nhiều vốn từ nước ngoài, gồm đầu tư, kiều hối, doanh thu xuất khẩu. Người ta phải hấp thụ nguồn tiền này và mua nhiều hàng hóa nên gây lạm phát.

Theo Trần Lệ Thủy
Báo Tuổi trẻ