Việt Nam nhận "rác" từ Trung Quốc: Tưởng "ngon ăn" nhưng trả giá đắt!

Nếu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh lên thì Trung Quốc không thể tuồn công nghệ lạc hậu sang được.

Việt Nam chủ động nhập công nghệ kém của Trung Quốc

 

Theo TS Lê Kim Sa, thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), khi Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, hàng hóa "made in China" tràn ngập khắp toàn cầu thì phương Tây đặt ra yêu cầu buộc Trung Quốc phải nâng cao công nghệ và chất lượng sản phẩm.

 

"Trung Quốc đã phát triển đến cái ngưỡng mà chi phí đầu vào không còn rẻ nữa, nhu cầu cho sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không còn nhiều thì buộc họ phải thay đổi và chuyển sang công nghệ mới và ở mức cao hơn. Đó là bước tất yếu.

 

Tất nhiên Trung Quốc thay đổi được hay không là chuyện khác, nếu không kịp chuyển sang công nghệ mới, họ sẽ rơi vào cái bẫy sản xuất thấp, vượt qua được cái bẫy ấy rất khó. Bẫy thu nhập trung bình là cả một vấn đề lớn. Mỗi nước có một đặc thù khác nhau nhưng bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc hoàn toàn là do công nghệ thấp, rơi vào đấy rồi thì khó chuyển đổi được".

 

Khi Trung Quốc bước sang giai đoạn sản xuất công nghệ cao, vấn đề được đặt ra là Trung Quốc sẽ chuyển công nghệ thấp, lạc hậu của mình đi đâu?

 

TS Lê Kim Sa, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
TS Lê Kim Sa, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

 

TS Lê Kim Sa cho rằng, đó không chỉ là nỗi lo của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác. "Nhưng Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, chúng ta vẫn chưa chắc chắn được rằng họ có chuyển công nghệ ấy sang các nước láng giềng như Việt Nam, vốn có trình độ công nghệ thấp hơn hay không.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 

 

Có một bức ảnh của NASA chụp ban đêm ở Trung Quốc. Cả đất nước Trung Quốc rộng lớn như thế chỉ có vùng ven  biển sáng, còn miền Tây của nước này lại chìm trong bóng tối, nghĩa là bên trong Trung Quốc cũng có những vùng miền phát triển thấp kém. Bởi vậy, nếu Trung Quốc chuyển đổi công nghệ và đẩy công nghệ thấp, lạc hậu đi thì có thể có hai dòng chảy, một là sang các nước phát triển kém hơn như Việt Nam, hai là về những vùng nghèo, kém phát triển của chính đất nước này".

 

Tuy nhiên, TS Lê Kim Sa lưu ý, không phải chỉ mình Trung Quốc chuyển công nghệ kém, lạc hậu sang Việt Nam, mà bản thân Việt Nam vì trình độ công nghệ thấp nên cũng chủ động nhập công nghệ Trung Quốc về.

 

"Thị trường Việt Nam không đủ lớn đối với Trung Quốc. Tôi đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thì được biết, chủ yếu doanh nghiệp Việt Nam sang đặt mua công nghệ Trung Quốc. Còn phía doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ để họ đầu tư một công nghệ nào đó. Trung Quốc có thể tập trung đầu tư phát triển ở một khu vực gần biên giới phía Nam, như Quảng Châu chẳng hạn, và toàn thế giới đến mua, Việt Nam chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong đó", TS Lê Kim Sa nói.

 

Ông Sa cũng chỉ ra chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển, kém phát triển là viện trợ ODA để khiến các nước nhận viện trợ phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc. Các bước này do chính phủ Trung Quốc thực hiện. Thứ hai, Trung Quốc mở cửa cho thị trường, nhắm vào các nước phát triển kém hơn, để các doanh nghiệp tự tìm lấy thị trường và chính phủ hoàn toàn không can thiệp.

 

"Cách đây vài năm cả thế giới kinh hoàng khi Trung Quốc tiến vào châu Phi rất nhanh bằng những vali tiền, họ chỉ cần mua chuộc một vài quan chức và chẳng mấy chốc người Trung Quốc tràn ngập. Họ đầu tư chủ yếu vào khai khoáng, bóc lột tài nguyên ở lục địa đen. Đó là những biểu hiện của chính sách thực dân kiểu mới và là cách truyền thống của Trung Quốc để đưa chân vào châu Phi, thậm chí vào Việt Nam.

 

Công nghệ của Việt Nam kém hơn, doanh nghiệp Trung Quốc thấy lợi thì họ vào. Nếu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh lên thì Trung Quốc không thể tuồn công nghệ lạc hậu sang được".

 

Rào chắn "rác" Trung Quốc: Hoàn toàn có thể nếu muốn

 

Hệ quả nhãn tiền có thể nhận ra từ quá trình chuyển đổi công nghệ của Trung Quốc đó là những nước như Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ.

 

Công nhân Trung Quốc tại châu Phi
Công nhân Trung Quốc tại châu Phi

 

TS Lê Kim Sa chỉ rõ: "Người Trung Quốc xây dựng nhà máy, công xưởng rất nhanh, thậm chí qua một đêm họ cũng có thể làm được. Họ sẽ khai thác thị trường rất nhanh rồi rút ra, để lại rác thải cho nước tiếp nhận công nghệ và khả năng vận hành công nghệ đó đã không hiệu quả lại càng không hiệu quả. Xử lý rác thải công nghệ khó hơn xử lý rác thải gia đình rất nhiều vì khi ấy nó chỉ là một đống sắt vụn.

 

Châu Phi đã phải đối mặt với điều này nhưng đó là mảnh đất hoang vu, còn đối với các nước như Việt Nam, nó sẽ nhanh chóng bóp nghẹt các doanh nghiệp bởi cách làm ăn của Trung Quốc rất "khủng khiếp". Doanh nghiệp Việt chưa kịp lớn, chưa kịp thích ứng với điều đó thì họ đã tràn vào. Bởi thế, doanh nghiệp Việt sẽ chết trước khi kịp lớn".

 

Theo TS Lê Kim Sa, hoàn toàn có thể hạn chế được rác công nghệ từ Trung Quốc nếu như muốn làm.

 

"Hãy đặt ra các yêu cầu: Công nghệ nhập vào Việt Nam không được cũ quá bao nhiều năm, phải đặt tiêu chuẩn xả thải Euro, công nghệ G7 hoặc tương đương G7 mới được đầu tư vào... Nếu họ đưa công nghệ thấp vào hãy nâng tiêu chuẩn lên và quan trọng nhất là đừng nhận tiền của họ để đưa công nghệ đó vào. Rào cản dựng lên là do mình chứ không phải do Trung Quốc".

 

Ông Lê Kim Sa dẫn ví dụ trường hợp của châu Phi. Dù liên tục phải rót hàng tỉ USD đầu tư vào châu Phi, nhưng làn sóng phản đối của người dân châu lục này với cách thức làm ăn của Trung Quốc ngày càng phổ biến và mạnh mẽ.

 

Ông Sa cho rằng, đây là sự thất bại của Trung Quốc trong việc can thiệp bằng kinh tế vào các nước nhỏ hơn.

 

"Ban đầu cảm giác là rẻ, ngon ăn nhưng tính trong dài hạn thì không rẻ chút nào".

 

Theo Thành Luân

Báo Đất Việt
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”