Việt Nam mất 10 tỷ USD/năm vì kéo dài thí điểm cá cược đua chó, đua ngựa

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, nếu Việt Nam cứ kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm cá cược, mỗi năm có thể mất 10 tỷ USD doanh thu từ loại hình này và từ đó kéo theo mất số tiền thuế rất lớn.

Tại Hội thảo bàn về "Công nghệ số và quản lý nhà nước về đặt cược thể thao" được tổ chức sáng nay (17/12) ở Hà Nội, một số chuyên gia, người làm về dịch vụ đặt cược mong muốn có sân chơi định danh và hợp pháp cho thị trường cá cược nhiều tỷ đô của Việt Nam để ngăn chặn luồng tiền cá cược chảy ra bên ngoài.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc thí điểm chơi cá cược đua chó, ngựa và bóng đá quốc tế trong Nghị định 06/2017 nên chia ra làm 2 hoặc 3 giai đoạn, không nên để thí điểm 5 năm như hiện nay.

"Việc thí điểm 5 năm hơi dài, tôi nghĩ nên cân nhắc 2 năm. Giai đoạn 1 cần nói rõ đối tượng tham gia của Nghị định này là các doanh nghiệp được đặt cược đua ngựa, đua chó theo Nghị định 06/2017. Giai đoạn 2, có đánh giá tình hình thực tiễn, nghiên cứu nâng cấp từ NĐ06 thành luật được không, bởi Nghị định việc cưỡng chế vẫn còn yếu. Giai đoạn 3, sau khi thí điểm đã có luật hóa thì mới bắt đầu mở rộng nhiều hơn cho việc trực tuyến có được không hay cho làm trực tuyến từ bây giờ và việc giám sát, kiểm tra như thế nào..." - ông Lực ví dụ.

Việt Nam mất 10 tỷ USD/năm vì kéo dài thí điểm cá cược đua chó, đua ngựa - 1

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp

Ông Lực cho biết: "Theo nghiên cứu của công ty cá cược Ladbrokes tại Anh, doanh số đặt cược bóng đá tại Việt Nam tương ứng 3-5% GDP (10 tỷ USD/năm)".

Ông Lực cho rằng, nếu thu thuế trên số tiền trên sẽ là con số rất lớn và nếu Việt Nam vẫn chưa cho phép đặt cược qua internet, di động, khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, kinh tế chia sẻ phát triển, kinh tế số được ứng dụng, rồi đến thời kỳ công nghệ 5G, nhiều chiêu trò lách luật sẽ bùng nổ, Việt Nam khó có thể giải quyết được bài toán thu được thuế vừa quản lý được ngành nghề, lĩnh vực mới.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đề nghị, Việt Nam nên cung cấp thẻ cá cược cho công dân đủ điều kiện, thường trú nhân (người nước ngoài) như Nhật Bản và nhiều nước khác để gắn chuyện họ đi đến chơi cá cược với du lịch sinh thái, trải nghiệm, tạo chiều sâu cho kinh tế du lịch, để kích cầu cho nhiều ngành kinh tế ban đêm phát triển.

Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho biết: Quốc hội vừa thông qua dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6%, thấp hơn mức trung bình của 4 năm 2016-2019.

Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đều nhận thức rằng, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng; do đó, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.

"Tôi cho rằng để phát triển kinh tế nói chung thì việc phát triển công nghệ rất quan trọng, chúng ta phải tiếp cận theo tư duy đổi mới", ông Mại nói.

Việt Nam mất 10 tỷ USD/năm vì kéo dài thí điểm cá cược đua chó, đua ngựa - 2

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Đối với Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, ông Mại cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số.

Nghị định trên vẫn theo hướng thực hiện thí điểm, thời gian kéo dài đến 5 năm, trong bối cảnh công nghệ internet đang thay đổi nhanh chóng, việc thí điểm quá dài sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế.

Theo chuyên gia Nguyễn Mại, kinh doanh cá cược có mặt tốt, mặt xấu, nếu không được thừa nhận, người chơi vẫn rất nhiều và không được kiểm soát nên cái xấu dễ hoành hành.

Nếu Việt Nam nhìn thấy mặt tích cực, như thu thuế, quản lý được người chơi, giờ chơi và cách chơi thì số tiền thu thuế từ 10 tỷ USD doanh thu mỗi năm là rất lớn.

Theo ông Mại, gần đây, có nhiều vụ đánh bạc phi pháp hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả tỷ USD, nếu không kiểm soát, xử lý được sẽ hình thành một lĩnh vực ngầm, khó kiểm soát rủi ro.

"Tại sao chúng ta không mạnh dạn làm thí điểm nhanh hơn, đánh giá tác động nhanh hơn? Hiện chính sách áp dụng thí điểm 5 năm, chúng tôi cho rằng 2 năm là vừa, phù hợp, cứ 6 tháng, 1 năm có báo cáo đánh giá, và bổ sung vào những năm sau, đến khi kết thúc thí điểm, chúng ta đặt ra làm luôn, vừa làm vừa xử lý các phát sinh. Nếu cứ thí điểm dài hạn, mỗi năm chúng ta mất 10 tỷ USD, nếu 3 năm chúng ta có thể mất hơn 30 tỷ USD" - ông Mại nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm