Việt Nam “lép vế” trước Myanmar về thu hút dòng tiền ngoại
(Dân trí) - Số liệu công bố tại Hội nghị thương mại và phát triển Liên Hợp quốc cho thấy, tại Đông Nam Á, Myanmar đã nhận gấp đôi FDI trong lĩnh vực chế biến nhờ giá nhân công hấp dẫn, gây ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của Việt Nam, Campuchia.
Một trong những nguyên nhân tạo nên hệ quả này là do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, như vấn đề Ukraina khiến cho đầu tư nước ngoài của Nga bị sụt giảm nghiêm trọng.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã lần đầu tiên kể từ năm 2003 vượt Mỹ trở thành nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký vào Trung Quốc năm 2014 lên tới 128 tỷ USD (đứng đầu thế giới). Nếu tính thêm cả Hồng Kông (111 tỷ USD, tăng 46% so với 2013) thì Trung Quốc vượt xa Mỹ (đứng thứ ba với 86 tỷ USD, chỉ bằng 30% so với năm 2013). Vốn đầu tư vào Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, giảm trong lĩnh vực chế biến do giá nhân tăng công cao.
Dòng vốn trên thế giới đang dịch chuyển từ các nước phát triển sang những nước đang phát triển
Nhật báo phố Wall cho rằng, kết quả trên phản ánh xu hướng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển từ khối các nước phát triển chuyển sang các nước đang phát triển. Trong khi dòng vốn đầu tư vào các nước phát triển đã giảm 14% (xuống 511 tỷ USD) thì tổng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển tăng 4% trong năm qua.
Trong danh sách 5 quốc gia/khu vực đứng đầu thu hút đầu tư cao nhất thế giới thì chỉ có duy nhất Mỹ thuộc nhóm các nước phát triển (lần lượt là Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Singapore và Brazil). FDI giảm mạnh nhất tại Bắc Mỹ (54%), chủ yếu do lý do kỹ thuật vì Mỹ mua lại các công ty nước ngoài làm giảm tỉ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ như vụ Verizon mua lại cổ phần của Vodafone (Anh) với giá 130 tỷ USD.
Tại châu Âu, dù tăng trưởng thấp nhưng dòng vốn FDI tăng 13% tương đương với 267 tỷ USD và tập trung chính vào Anh (61 tỷ), Hà Lan và Luxembourg. Trong khi đó, thì Pháp và Đức giảm lần lượt là 6,9% và 2,1%. Tương tự như trường hợp của Mỹ, việc công ty Oréal (Pháp) mua lại 8% cổ phẩn của mình từ hãng Nestlé (Thụy Sỹ) với giá 9 tỷ USD làm giảm mạnh tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào Pháp.
Tại các nước châu Âu còn lại, vốn FDI giảm trên 50%, chỉ còn 45 tỷ USD, nhất là do căng thẳng với Ukraina và lệnh cấm vận phương Tây. FDI vào Nga giảm 70%, còn 19 tỷ USD do “các công ty dầu mỏ và gas của các nước phát triển đã dừng hoặc hoãn các hoạt động đầu tư tại Nga”. Ukraina, do tình hình bất ổn, các công ty đầu tư nước ngoài rút đi một lượng vốn lên tới 200 triệu USD.
Tại Đông Nam Á, đáng chú ý Myanmar nhận gấp đôi FDI trong lĩnh vực chế biến nhờ giá nhân công hấp dẫn, gây ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của Việt Nam, Campuchia.
Nga đứng thứ ba trong top 10 năm 2013 nhưng hiện không có mặt trong bảng xếp hạng năm 2014.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,5% trong năm 2015 và 3,7% trong năm 2016, hạ thấp 0,3% cho cả hai năm so với dự báo tháng 10/2014.
Theo Bretton Woods, triển vọng kém sáng sủa về tổng sản phẩm trong nước (GDP), sự tăng trưởng chậm chạp về đầu tư, thương mại và làm giá cả hàng hóa giảm trong đó có dầu ở Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và khu vực đồng Euro. Nền kinh tế của Trung Quốc, là một đối tác thương mại mới nổi và nhà đầu tư ở hầu hết các nước châu Phi, được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2015, do xuất khẩu giảm và bất động sản sụt giá. GDP của Trung Quốc đạt 7,4% trong năm 2014, đạt tỷ lệ thấp nhất trong 24 năm qua.
Bích Diệp