Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN
(Dân trí) - Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 1 của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Mới đây, Đoàn đại biểu kinh tế thương mại Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Yến dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam từ ngày 27 đến 29/9 và cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tổ chức vào ngày 28/9 tại Hà Nội.
Tại Kỳ họp lần thứ 6 Nhóm công tác hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra hôm 27/9, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế thương mại hai nước, đồng thời trao đổi một cách sâu rộng về các vấn đề kinh tế, thương mại, công nghiệp song phương cùng quan tâm.
Theo đánh giá tại Kỳ họp, quan hệ thương mại Việt – Trung tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng tích cực, kim ngạch nhập siêu tuy còn cao song đã từng bước giảm dần.
Theo thống kê của phía Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; nhập siêu giảm 13,67% so với năm 2015. Hết tháng 8 năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 55,2 tỷ USD, tăng 23,59% so với cùng kỳ 2016, nhập siêu 17,7 tỷ USD, giảm 5,76%.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 1 của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Tại Hội nghị, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Theo đó, phía Trung Quốc đồng ý, tích cực thúc đẩy công tác đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc đối với sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, đẩy nhanh công tác kiểm dịch cho phép nhập khẩu hoa quả Việt Nam như măng cụt, dừa, roi, na, chanh leo… vào Trung Quốc.
Hai bên cũng đã tiến hành thảo luận sâu rộng các biện pháp quản lý có hiệu quả đối với chất lượng mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, tích cực phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế cảnh báo sớm để đảm bảo an toàn chất lượng, vệ sinh thực vật và sự thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, vấn đề xuất khẩu lợn sống sang Trung Quốc.
Đồng thời, hai bên khuyến khích doanh nghiệp và hiệp hội liên quan tổ chức các hoạt động kết nối cung và cầu cho các thương nhân Việt Nam tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, trái cây với khách hàng nội địa Trung Quốc, mở rộng thị trường và phát triển mạng lưới phân phối.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư, cơ sở hạ tầng và công nghiệp, trong đó nhất trí tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề tại các Dự án như Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Dự án Đạm từ Than cám Ninh Bình; sớm trao đổi bàn bạc ký kết Danh mục các dự án trọng điểm kèm theo “Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 05 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung”;
Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ tích cực trao đổi, đàm phán để sớm ký kết Hiệp định thay thế Hiệp định đường sắt biên giới Việt – Trung năm 1992; khởi động nghiên cứu khả thi việc sử dụng khoản viện trợ trong khuôn khổ gói 01 tỷ Nhân dân tệ hỗ trợ Việt Nam trong vòng 5 năm để xây dựng Học viện Y dược học cổ truyền tại Việt Nam trong năm 2017…
Phương Dung