Việt Nam kinh doanh xăng dầu không giống ai

Người tiêu dùng liên tục đau đầu vì giá xăng lên xuống bất ngờ, trong khi đó không có một động thái nào cho thấy ngành xăng dầu Việt Nam có sự chuẩn bị trước biến động giá cả trên thị trường xăng dầu thế giới.

Hiện nay, hầu hết các giao dịch mua bán xăng dầu đều dựa trên giá thả nổi. Giá thả nổi là giá được xác định dựa trên chỉ số giá của thời kỳ giao hàng.  Đối với khu vực châu Á thường áp dụng chỉ số giá Platts Singapore. Dù hàng có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan thì chỉ số Platts Singapore vẫn được sử dụng để tính giá.

Vào thời điểm ký hợp đồng cả bên mua và bên bán đều chưa xác định được giá của lô hàng, chỉ đến ngày giao hàng giá này mới được xác định bằng chỉ số Platts của ngày hôm đó. Nếu không áp dụng nghiệp vụ bảo hiểm (hay còn gọi là bảo đảm) giá (hedging) thì các công ty nhập khẩu của VN hoàn toàn thụ động trước những biến động của giá cả thị trường thế giới.

Hầu hết các công ty buôn bán xăng dầu trên thị trường quốc tế đều phải áp dụng nghiệp vụ hedging vì những lý do sau đây: thứ nhất, để đảm bảo lợi nhuận: vì thị trường thế giới biến động rất lớn, thường là vài chục cent cho đến trên dưới 1 USD trong một ngày, vào những thời kỳ chiến tranh hoặc khủng hoảng chính trị ở các nước xuất khẩu dầu thì giá dầu có thể biến động đến 5 USD trong một ngày.

Vì vậy để giá hợp đồng thả nổi theo giá thị trường, các công ty không thể kiểm soát được lợi nhuận của mình. Đối với những công ty sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu lại càng phải bảo hiểm giá, vì nếu không họ sẽ không có cơ sở để tính giá thành sản phẩm cuối cùng.

Thứ hai, để tránh bị thao túng bởi các “đại gia” trên thị trường dầu: các công ty lọc dầu lớn, các công ty buôn bán toàn cầu, các quĩ bảo hiểm (hedge fund) hoặc các ngân hàng lớn thường có lợi thế về tài chính, về số lượng giao dịch nên có khả năng thao túng thị trường.

Họ có thể đẩy chỉ số giá Platts lên xuống theo hướng có lợi cho mình. Ví dụ, một công ty đang có giao hàng sẽ cố tình đẩy chỉ số lên để kiếm lợi từ lô hàng. Việc này không khó vì thời gian giao hàng chỉ vài ngày chứ không kéo dài nên họ có đủ khả năng để thao túng trong một thời gian ngắn như vậy.

Vì không được bảo hiểm nên các nhà nhập khẩu VN hoàn toàn có thể bị “bắt nạt”. Thời gian giao hàng có thể rơi vào lúc chỉ số giá lên cao (hoặc cố tình bị đẩy lên cao). Vì vậy, rất có khả năng nhiều khi VN nhập khẩu xăng dầu với giá trung bình cao hơn thị trường thế giới.

Và gánh nặng này sẽ được trút lên ngân sách nhà nước qua cơ chế bù lỗ hay còn gọi là trợ giá. Về tính xác đáng của việc trợ giá trong bối cảnh thị trường dầu và quá trình hội nhập quốc tế của VN hiện nay là điều đáng phải bàn.

Thực tế đã cho thấy những nước áp dụng trợ giá xăng dầu dài hạn như Indonesia không hề giảm được lạm phát và tăng tính cạnh tranh cho các ngành sản xuất sử dụng xăng dầu. Thái Lan và Trung Quốc trước đây cũng áp dụng chính sách trợ giá nhưng đã dần dần bãi bỏ.

Việc này buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải tự bảo hiểm, tự cạnh tranh và mặt khác nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu của người dân và các ngành sản xuất. Những nước không áp dụng trợ giá dài hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều là những nước chống chọi rất vững vàng trước những biến động của thị trường dầu.

Hiện nay các doanh nghiệp VN hoàn toàn không áp dụng nghiệp vụ hedging vì vẫn được Nhà nước bù lỗ. Hơn nữa, cơ chế giá trong nước rất thất thường, không theo một công thức nào cả nên các công ty nhập khẩu cũng rất khó tính toán lợi nhuận do giá bán ra không nằm trong kiểm soát của họ.

Giả sử có cơ chế giá thay đổi theo từng tháng, lấy giá trung bình thế giới của tháng trước làm giá bán trong nước của tháng sau (do phải nhập trước và bán sau) thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tính toán và tự bảo hiểm cho mình.

Nhà nước hoàn toàn có thể giảm gánh nặng bù lỗ, các doanh nghiệp sẽ phải tự đổi mới, năng động hơn, tự chủ hơn trong quyết định kinh doanh của mình và sẵn sàng hơn cho việc hội nhập quốc tế. Đừng để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, đến lúc phải bỏ trợ giá theo lộ trình hội nhập mới chập chững học hỏi thì sợ rằng đã quá muộn.

Theo thống kê của các công ty tư vấn quốc tế, năm 2004 VN thu về 6 tỉ USD tiền xuất khẩu dầu thô và tiền bù lỗ xăng dầu là 680 triệu USD. Việc dùng lợi nhuận từ dầu thô để trợ giá là một biện pháp không có tính bền vững và rất phi thị trường.

Giá cả phải do thị trường qui định, và muốn bình ổn giá phải có dự trữ chiến lược xăng dầu. Hiện nay cơ sở vật chất về bồn chứa, dự trữ, kho cảng của VN rất kém. Thiết nghĩ chi phí cho trợ giá phải được dùng để đầu tư chiều sâu vào dự trữ chiến lược, kho cảng..., vào đổi mới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Và nhất thiết độc quyền phải được xóa bỏ để người tiêu dùng được hưởng lợi. Trợ giá chỉ có tác dụng hạ nhiệt ngay lập tức, còn đầu tư chiều sâu sẽ đem lại lợi ích lâu dài.

Theo Trần Hồng Diệp
Báo Tuổi trẻ