Việt Nam khởi động dự án điện hạt nhân

(Dân trí) - Trong khi gấp rút tiến hành các công tác chuẩn bị đầu tư nhà máy điện hạt nhân, EVN đã phối hợp với Cục năng lượng nguyên tử mở lớp tập huấn về quản lý dự án điện hạt nhân nhằm chia sẻ kinh nghiệm trên thế giới từ 19 - 23/7 tại Hà Nội.

Việt Nam khởi động dự án điện hạt nhân - 1
Việc học hỏi kinh nghiệm thế giới là rất quan trọng cho dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam (ảnh minh họa)
 
Sau gần 10 năm nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị, chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 25/11/2009. Theo đó, dự án có tổng công suất là 4000MW, bao gồm 2 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, mỗi nhà máy có hai tổ máy công suất 1000MW.
 
Hiện EVN đang gấp rút tiến hành các công tác chuẩn bị đầu tư theo các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để có thể khởi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014 và đưa vận hành vào tổ máy đầu tiên năm 2020.
 
Chương trình lớp tập huấn về quản lý dự án điện hạt nhân lần này nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật với Cơ quan năng lượng Quốc tế (IAEA) về “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” do Cục năng lượng nguyên tử thuộc Bộ khoa học công nghệ chủ trì.
 
Đây là một khóa đào tạo ngắn hạn do các chuyên gia IAEA đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Phần Lan, Parkistan… giảng dạy. Mục tiêu của lớp tập huấn là cung cấp, chia sẻ cho các học viên các kiến thức, kỹ năng, công cụ quản lý dự án điện hạt nhân với những kinh nghiệm, bài học đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.
 
Các vấn đề được đề cập trong thời gian tập huấn bao gồm: công tác lập kế hoạch, thu xếp tài chính, tổ chức nhân sự, đấu thầu, đàm phán hợp đồng, cấp phép, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật an toàn, quản lý rủi ro…
 
Với một nước chưa có kinh nghiệm về quản lý và xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội tốt để các cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ tư vấn và đặc biệt là các cán bộ quản lý dự án của chủ đầu tư dự án EVN được học hỏi, tiếp cận thông tin để ứng dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam.
 
Theo dự báo, đến năm 2015, Việt nam sẽ phải đối mặt với thách thức thiếu hụt năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện năng. Cụ thể, nếu chỉ dựa vào các nguồn nhiên liệu trong nước để sản xuất điện, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 49 đến 112 tỷ kWh điện (tùy kịch bản) trong năm 2020. Và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán về năng lượng cho đất nước.
 
Lan Hương