Việt Nam “đau đầu” nạn rác thải: Trớ trêu cảnh doanh nghiệp cứ vô tư xả rác

(Dân trí) - Nguy hại về rác thì ai cũng biết, ấy thế mà nhiều người, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn vô tư xả rác đều đặn ra hè phố, ruộng đồng, biển khơi, sông ngòi, rừng xanh của chính đất nước họ…

Việt Nam “đau đầu” nạn rác thải: Trớ trêu cảnh doanh nghiệp cứ vô tư xả rác - 1

Ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.

Chính sự tiện lợi của túi nilong, đồ nhựa một lần đã khiến môi trường đang chịu những áp lực vô cùng lớn.

Theo con số được đưa ra bởi Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.

Một con số đáng chú ý khác từ FAO được đưa ra tại hội thảo diễn ra ngày 5/6 mới đây: “Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm”.

Thế giới cũng đang đau đầu về vấn nạn rác thải, trong đó nguy hại nhất là rác thải nhựa cho con người ở hành tinh chúng ta thải ra khi ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, du lịch, hoạt động các sự kiện…

Nguy hại về rác thì ai cũng biết: Nó làm ô nhiễm môi trường sống, tước đi vẻ đẹp của cảnh quan sẵn có, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng GDP của mỗi quốc gia…

Ấy thế mà nhiều người, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn vô tư xả rác đều đặn ra hè phố, ruộng đồng, biển khơi, sông ngòi, rừng xanh của chính đất nước họ.

Họ còn đưa rác của nước mình sang xử lý ở các nước chậm phát triển, gây những tai hại tiềm ẩn cho người khác. Thế giới là như vậy, còn ở Việt Nam cũng có những vấn đề tương tự về rác.

Mỗi ngày Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh thành khác trong cả nước có hàng trăm nghìn tấn rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, y tế… cần phải xử lý.

Hậu quả về rác, tính cấp bách về xử lý rác thải một cách thường xuyên cũng đã rõ, tuy nhiên, đối xử với rác như thế nào lại là chuyện khác.

Có nhiều biện pháp xử lý đã được thực hiện ở các nước phát triển và ở Việt Nam như đốt rác để phát điện, chôn lấp rác, phân loại rác tại chỗ để xử lý tại đầu nguồn phát sinh…

Mỗi giải pháp xử lý đều có những ưu nhược điểm của nó. Cho tới nay, chưa có giải pháp nào xử lý được 100% rác thải, điều quan trọng là tùy theo điều kiện kinh phí, khoa học kĩ thuật và xã hội hóa đầu tư xử lý rác để thực hiện một công việc rất gian truân và dài lâu này.

Tất cả đều phải tham gia “cuộc chiến” đầy khó khăn này

Ở Hà Nội, trung bình một ngày có 5.000 tấn rác thải các loại, thành phố hiện nay chủ yếu cho phép chôn lấp rác ở các bãi ven thủ đô là chính, việc xử lý đốt rác, phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện được bao nhiêu.

Chúng ta không có đủ đất đai để chôn lấp rác với một khối lượng lớn như vậy, từ đó đã phát sinh những mâu thuẫn giữa cơ quan môi trường và những người dân ở xung quanh khu chôn lấp rác ở thành phố Hà Nội.

Tháng 6 vừa qua, có hàng chục nghìn tấn rác nằm rải rác, trôi nổi ở khắp đường phố và thôn xóm thủ đô, là một hiện tượng mà không ai mong muốn.

Con đường duy nhất để tránh những xung đột xảy ra và việc tồn đọng rác một cách khiên cưỡng trên địa bàn là phải đầu tư để xử lý rác một cách tương đối triệt để, thông qua những hệ thống nhà máy đốt rác phát điện tiên tiến mà một số địa phương trong cả nước đã thực hiện rất hiệu quả.

Vì sự lành mạnh của môi trường thủ đô, hãy đầu tư thỏa đáng cho việc xử lý rác, nếu cần thiết cần tạm thời gác lại các công trình khác để đầu tư cho xử lý rác của Thủ đô.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cần có nghị quyết về môi trường Thủ đô, trong đó có vấn đề xử lý rác. Có thể nói nước sinh hoạt, nước thải, rác thải ô nhiễm không khí là những vấn đề rất cấp thiết và nóng bỏng trong các kì họp của thành phố vừa qua.

Hãy vì một tương lai Thủ đô xanh, sạch đẹp, tương lai của các gia đình và con cháu của chúng ta được sống trong một môi trường yên lành, đó là điều hạnh phúc nhất mà ai trong chúng ta cũng mong muốn.

Cần phải đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Ví dụ như trong 4-5 năm tới, Hà Nội phải cơ bản giải quyết vấn đề rác thải ở Thủ đô, chấm dứt hình thức chôn lấp không hiệu quả và mất vệ sinh môi trường như hiện nay đang làm; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, mọi người dân và các gia đình cũng phải tham gia vào “cuộc chiến” đầy khó khăn những cũng rất nhân văn này.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế