“Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc xử lý nợ xấu”
(Dân trí) - Đây là nhận định của một số chuyên gia quốc tế vừa được đăng tải trên tờ Wall Street Journal. Dù vậy cũng có ý kiến cho rằng quá trình tái cơ cấu các ngân hàng đang diễn ra chậm chạp.
Theo tờ báo này, căn nguyên của tình trạng nợ xấu hiện nay xuất phát từ sự tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong giai đoạn 2008 – 2009, khi chính phủ “bơm” tiền để kích thích kinh tế. “Giờ đây, ngày càng nhiều người vay tiền gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Điều này làm gia tăng lo ngại về sự ổn định của toàn nền kinh tế Việt Nam”, bài báo viết.
Để minh chứng cho mức độ tăng nhanh của nợ xấu, tờ báo uy tín của giới tài chính toàn cầu đã dẫn lại phát biểu của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội rằng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng hiện nay là 10%, tăng so với mức 6% cuối năm ngoái cũng như mức dưới 3% ở thời điểm 2008. “Ông Bình cho biết chính phủ đang có kế hoạch thành lập một công ty quản lý tài sản quốc gia với số vốn 100.000 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD) để giải quyết vấn đề này”.
Cũng theo bài báo trên, các dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, các doanh nghiệp quốc doanh không thể hòan trả khoảng 20% đến 30% trong tổng số 415.000 tỷ đồng họ đã vay từ các ngân hàng. Hiện tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên tới 280.000 tỷ đồng, tương đương 11% GDP.
“Một số nhà phân tích cho rằng các vấn đề của Việt Nam là hiếm gặp đối với đất nước từng là điểm sáng của kinh tế Đông Nam Á, khi tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 1 năm nay giảm xuống chỉ còn 4%, thua xa mức bình quân 7,7% trong giai đoạn 2003 – 2008. Không giống các nước châu Á khác, Việt Nam có mức thâm hụt mậu dịch lớn, gây áp lực tới đồng nội tệ và càng làm gia tăng bất ổn”, tác giả bài báo phân tích.
“Tăng trưởng của Việt Nam lệ thuộc vào số lượng ngày càng nhiều các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khu vực kiểm soát tới 40% sản lượng nền kinh tế. Những chính sách tín dụng lỏng lẻo đã góp phần “đẩy” lạm phát trong năm ngoái vượt 20%, cao hơn nhiều các khu vực khác ở châu Á”.
Dù vậy, theo Wall Street Journal, “nhiều nhà kinh tế tin rằng Việt Nam đang có những bước đi cần thiết để xử lý các vấn đề này”. Các bước đi đó thể hiện ở việc chính phủ cam kết giám sát chặt các doanh nghiệp quốc doanh và thắt chặt chính sách tín dụng, nhằm đưa lạm phát về mức khoảng 8%, và tăng trưởng tín dung trong năm 2011 chỉ là 10,9%, thấp hơn nhiều mức trung bình 35% giai đoạn 2006 – 2010. Mới đây, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần hạ lãi suất, giúp người đi vay có tiền để trả nợ.
“Việt Nam rõ ràng đang đi đúng hướng”, tờ báo trích dẫn ý kiến của ông Guy Stear, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng Pháp Société Générale. Dù vậy vấn đề nợ xấu của Việt Nam có thể “là chỉ báo cho khó khăn ở các nước khác trong khu vực”.
“Toàn châu Á đang kết thúc chu kỳ vay vốn ngân hàng và nợ xấu hiện vẫn ở mức thấp. Rất có thể chúng ta sẽ được thấy nợ xấu gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế châu Á trong 2 năm tới”, ông Guy Stear nói.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng có thể kế hoạch xử lý nợ xấu khó thành công như mong đợi do số vốn được cấp của công ty quản lý nợ mà chính phủ đang thành lập quá nhỏ. “Hiện chưa rõ các nhà chức trách có thể kiểm soát được tình hình hay không”, Christian de Guzman, nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nói.
“Kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng được Ngân hàng nhà nước Việt Nam soạn thảo dường như đang được triển khai chậm chạp, trong khi chính phủ có vẻ không thể nâng đỡ cho toàn hệ thống ngân hàng vì quy mô quá lớn”, tờ Wall Street Journal trích dẫn.
Thanh Tùng
Lược dịch theo WSJ